Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mẹ con tôi để các bậc cha mẹ khác có thêm niềm tin và động lực để cùng con có cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp hơn.
H (tên viết tắt của con) từ nhỏ đã là đứa trẻ nhanh nhẹn, thông minh. Năm 2016 khi con trai tôi học mẫu giáo lớn con bị động kinh cục bộ. Tôi đã rất vất vả để điều trị bệnh cho con suốt 4 năm qua tại Viện Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tới giờ bệnh của con đã ổn tới 90%. Từ lúc bị động kinh cục bộ, H bắt đầu lười tư duy hơn, dễ xúc động hơn, kiểm soát cảm xúc không còn tốt và đặc biệt bám mẹ, phụ thuộc vào mẹ chứ không chủ động như trước. Có lẽ do con tìm được cảm giác an toàn khi có mẹ bên cạnh.
Ở nhà H lại “khá ổn” so với mong muốn của tôi. Cháu có thể tự lo ăn uống, tự ở nhà một mình mỗi khi mẹ và chị gái không có nhà. Thỉnh thoảng con vẫn mè nheo, khóc lóc, đòi hỏi, không muốn học thì cũng dấu sách vở, không mang bài tập về nhà,…. Từ nhỏ con không được bố gần gũi, chăm sóc nên con có lúc thiếu mạnh mẽ. Tôi đảm nhận cả vai trò làm mẹ, làm cha, làm ông bà cho con vì thường xuyên chỉ có 3 mẹ con bên nhau. Tất nhiên tôi chưa thể cùng một lúc làm tốt tất cả các vai; vì vậy các con cũng thiệt thòi và không thể như những đứa trẻ có cả cha mẹ đồng hành nuôi dạy con cái. Việc điều trị bệnh cho con và nuôi dạy 2 con khá vất vả và tốn kém, tôi thường xuyên phải nghỉ việc vì nhà trường gọi điện thoại tới trường giải quyết vấn đề của con cũng khiến tinh thần của tôi không được tốt. Có nhiều lúc tôi không kiềm chế được nóng giận cũng như không bình tĩnh giải quyết vấn đề của con với phương án tốt nhất.
Vì ở nhà cháu khá ngoan và tôi có thể kiểm soát cũng như dạy dỗ con được nên khi con bắt đầu đến tuổi đi học; tôi cũng giống như bao bậc cha mẹ khác hào hứng đi tìm trường cho con. H thi vào lớp 1 như bao các bạn đồng trang lứa khác và con đã đỗ vào trường Lomonoxop. Vui vẻ và hạnh phúc chưa kéo dài được lâu, khi bước vào năm học, con gặp khó khăn vì khả năng hòa nhập của con có phần hạn chế hơn so với các bạn. H bắt đầu trở nên lười biếng, ít tham gia các hoạt động của lớp mà thường chỉ nằm ườn ra bàn, giờ nọ làm việc kia. Đặc biệt, H thường không tập trung, chú ý nghe cô giảng bài; hợp tác với các cô và các bạn chưa tốt mà chỉ thích làm theo ý con. Nhưng may mắn con thông minh nên H vẫn trải qua lớp 1 với kết quả khá tốt.
Vì con đặc biệt như vậy nên tôi và gia đình đã quyết định chuyển H tới môi trường mới với kỳ vọng sẽ cải thiện được tình trạng của con. Con tiếp tục thi sang lớp 2 tại một ngôi trường được đánh giá khá cao tại Hà Nội. Con thi 2 vòng đầu chưa đạt vì con chưa muốn hợp tác với cô giáo mới nhưng rất may nhờ có cô Hiệu phó khéo léo chuyện trò, làm bạn cùng con nên con cởi mở và hợp tác hơn vì vậy con đã được nhận vào lớp 2. Cứ tưởng như mọi thứ sẽ được xuôn xẻ như dự định nhưng nó lại không êm đềm như lớp 1. Ở lớp, H thường phản ứng với cô, không chịu làm bài, thường đi lại tự do trong lớp… Nhà trường đành chuyển con sang lớp khác. Ở lớp mới, con nhận được sự kiên nhẫn của các cô giáo hơn nên con bắt đầu hợp tác dần. Nhưng H vẫn gặp những khó khăn trong việc quản lí hành vi giống như lớp 1.
Đầu năm 2020 khi giãn cách xã hội vì Covid, các con phải học online tại nhà thì con khá hợp tác, chịu khó ngồi trước Ipad hoặc máy tính theo dõi cô giảng bài và cũng làm bài tập. Cũng vì con thích công nghệ nên việc học qua máy tính với con khá đơn giản. Tuy nhiên, khi quay trở lại trường học bình thường thì tình trạng con tăng động giảm chú ý lại tiếp diễn, thậm chí con phản ứng mạnh mẽ hơn. Con thường khóc lóc, mè nheo, xé bài nếu không muốn học, đánh bạn nếu không vừa ý; thậm chí đẩy cả cô giáo, dấu dép của cô và các bạn nhằm thể hiện thái độ, để gây sự chú ý của mọi người tới con. Cô giáo đã rất vất vả để đồng hành cùng con trong thời gian đó.
Để ổn định được tinh thần cũng như hành vi của H, tôi đưa con đi khám và được bác sĩ kê con thuốc điều trị, nhưng con uống vào thì thường xuyên đi tiểu, trong thuốc có thành phần an thần nên chập tối là con buồn ngủ; sáng tới lớp con lại ngủ 1-2 tiết đầu giờ, trưa con ngủ ở lớp thường bị khó thức dậy. Duy trì thuốc 3 tháng tôi thấy không ổn nên dừng thuốc không cho con uống nữa. Rất nhiều biến cố xảy ra ở lớp nhưng cuối cùng con cũng hoàn thành khá tốt việc học để vượt qua lớp 2 cùng với sự hỗ trợ của thầy cô và Ban Giám hiệu. Con có một ưu điểm là rất tình cảm, thường quan tâm tới mọi người nên ngoài những lúc con mất kiểm soát ở lớp thì con rất được mọi người yêu quý.
Vào năm lớp 3, tháng 9 H khá ổn vì có các cô thực tập đồng hành cùng con, cô chủ nhiệm cũng kiên nhẫn cùng con. Tuy nhiên đầu tháng 10/2020 khi các cô thực tập không tới lớp nữa, con bắt đầu mượn cớ để quậy phá lớp như xé bài, vứt sách vở của các bạn, đánh bạn, chạy ra khỏi lớp,… Cũng may phụ huynh trong lớp đều là những người hiểu biết và tốt nên thông cảm cho mẹ con tôi, không phản ứng tiêu cực mà chỉ ý kiến với Ban giám hiệu tìm giải pháp. Mỗi lần con gây chuyện là các cô phòng tâm lý đón con lên phòng để con được chơi và bình tĩnh lại. Cả trường chạy theo để xử lý hành vi cho con và thường xuyên gọi tôi tới lớp hỗ trợ con hoặc đón con về. Khi con cảm thấy “bắt nạt” được cả trường thì hành vi của con ngày càng tăng và mất kiểm soát. Cuối tháng 10 phòng tâm lý của trường đề nghị cho H nghỉ học ở nhà cho tới khi tôi tìm được giáo viên kèm con hàng ngày ở lớp. Tôi vội vã tìm người kèm con tại lớp nhưng việc này không dễ và cần thời gian. Mãi tôi mới tìm được người kèm để cho con đi học trở lại. Nhưng ngay ngày đầu tiên con đã bắt nạt cô giáo đi kèm khiến cho cô cũng lo sợ. Ngày thứ 2 cô giáo đi kèm tới nhà kèm con thì con khá hợp tác. Qua bao nhiêu ngày tháng đồng hành cùng con, tôi nhận ra tình trạng của con tăng nặng ở môi trường lớp học đông bạn, bị áp lực học hành (dù áp lực nhẹ), phải nghe mệnh lệnh,… hực sự tôi rất hoang mang và lo sợ khi nghĩ rằng con mình đã ở mức độ bệnh rất nặng. Tôi lo lắng vô cùng vì không biết phải giải quyết vấn đề của H thế nào, điều trị ra sao và tiếp tục học thế nào trong khi chỉ có một mình tôi vật lộn với con và lo lắng về tài chính để tiếp tục đồng hành cùng con. Đây có lẽ đây là quãng thời gian “tăm tối”nhất đối với tôi trong suốt bao nhiêu năm qua đồng hành cùng với con.
Rất may có một chị phụ huynh có chuyên môn về trẻ tự kỷ, tăng động đã giới thiệu tôi tới Trung tâm Hừng Đông. Tôi đã gọi điện thoại cho thầy Thuấn nhờ thầy tư vấn những lời đầu tiên thông qua điện thầy Thuấn như đã hiểu được tâm trạng lo lắng và bế tắc của tôi và thầy hẹn tôi đưa con tới để cùng gặp gỡ trực tiếp cả 2 mẹ con tôi.
Tại buổi gặp thầy Thuấn và nhóm cộng sự đã cùng với tôi và con hơn 3 tiếng đồng hồ thực hiện các bài test về trí tuệ, về hành vi cảm xúc, về các kỹ năng của con đồng thời những trao đổi về lịch sử tiểu sử quá trình chăm sóc con, quá trình phát triển của con sau đó thầy đưa ra kết luận con mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Thầy đưa ra tư vấn, định hướng, hướng dẫn cho tôi và con về bản chất vấn đề, về một số kỹ thuật hỗ trợ con, bản thân tôi nhận thấy được mình đang đi đúng hướng.
Bước tiếp đến, con tham gia lớp ngoài giờ tại trung tâm Hừng Đông vào các buổi tối 2,4,6 hàng tuần thông qua lớp kỹ năng giao tiếp xã hội, có thầy Thuấn trực tiếp đứng lớp và giám sát. Cũng từ đó, hành vi của con được ổn định đáng kể.
Thật sự cho mãi về sau, tôi vô cùng biết ơn Trung tâm Hừng Đông, đặc biệt là thầy Thuấn đã giúp tôi bình tâm, sáng suốt trong quá trình đồng hành cùng con, đã giúp con tôi có những bài học, trải nghiệm cần thiết về việc kiểm soát hành vi. Tất cả các trường đều nói con tôi phải nghỉ học hẳn ở nhà, không thể tiếp tục đến trường ít nhất trong vòng 1 năm, nhưng thầy Thuấn vẫn nhất quán việc động viên tôi tiếp tục tìm cách cho con đến trường. Tôi còn nhớ như in lời thầy nói "chỉ cần đúng hướng, dù có đi chậm thì điểm đến vẫn là đích".
Hiện tại tôi rất hài lòng với kết quả con đã đạt được. Quá trình 4 năm đồng hành cùng con tôi thấm thía: chỉ có tình yêu thương thật sự mới giúp được những đứa trẻ đáng thương và đáng yêu đó. Hãy gọi các con là những đứa trẻ đặc biệt. Ai đó đang kỳ thị các con là bởi họ chưa có trái tim nhân hậu. Những chuyên gia có chuyên môn sâu về trẻ tự kỷ, tăng động hãy chung tay cùng cộng đồng để giúp các con và cha mẹ chúng có những giải pháp tốt nhất dựa trên tình yêu thương.
Lá thư cảm ơn của phụ huynh sử dụng dịch vụ của trung tâm.