Trẻ tự kỷ có thể gặp ở bất cứ gia đình nào,
với bất kỳ điều kiện kinh tế và địa vị xã hội nào. Điều mỗi gia đình có trẻ
RLPTK đang quan tâm và băn khoăn lo lắng đó chính là làm thế nào để con mình có
được những điều kiện tốt nhất, hướng đến sự phát triển nhận thức và kỹ năng xã
hội cùng hoà nhập với các bạn đồng trang lứa. Cốt lõi vấn đề mà phần lớn phụ
huynh đang loay hoay đó chính là việc lựa chọn phương thức can thiệp cho trẻ
sao cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế và thời gian của gia đình.
Trước
tiên, cần hiểu đúng rối loạn phổ tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Ở dạng này, trẻ
gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Bên
cạnh đó, cũng có nhiều hạn chế trong việc tạo dựng, duy trì, phát triển và hiểu
các mối quan hệ.
Tỉ lệ trẻ tự kỷ đang tăng lên nhanh chóng. Trong báo cáo mới
nhất từ trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 1
trong số 54 trẻ em ở Mỹ được chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỷ, trong 34 trẻ trai
và trong 144 trẻ gái có 1 trẻ được xác định có RLPTK. Các trẻ trai có nguy cơ
được chẩn đoán có RLPTK cao hơn 4 lần so với các trẻ gái (theo số liệu năm
2016). Theo những con số thống kê tại Việt Nam (Trần Văn Công & Nguyễn Thị
Hoàng Yến, 2017), tỉ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam ước tính khoảng 0,5-1%. Năm 2019,
tỷ lệ trẻ từ 18 đến 20 tháng tuổi tại 7 tỉnh thành ở Việt Nam có RLPTK là
0.76%. Điều đó cho thấy sự tăng nhanh về con số trẻ có RLPTK từ đó, những vấn
đề nêu trên đặt ra cho xã hội nhiều thách thức mới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt
là can thiệp.
Vậy can
thiệp là gì?
Can thiệp có nghĩa là làm một điều gì đó, thực hiện hoạt động
hoặc sử dụng một phương pháp điều trị nhằm cải thiện một tình trạng hoặc vấn đề
cụ thể. Can thiệp cho trẻ có RLPTK đề cập đến một loạt các cách thức, nguồn lực
khác nhau cùng tham gia vào quá trình chăm sóc, giáo dục nhằm hỗ trợ và thúc
đẩy tối đa sự phát triển của trẻ trên toàn bộ các lĩnh vực.
Cho tới thời điểm hiện tại phương pháp can thiệp trẻ có RLPTK
vẫn chủ yếu bằng phương pháp can thiệp hành vi và giáo dục tại gia đình hoặc
các cơ sởgiáo dục đặc biệt, các phương pháp về ytế chưa chứng minh được hiệu
quả rõ ràng.
Hiện nay, theo nhận định của một số cán bộ quản lý các cơ sở can
thiệp sớm trên địa bàn thành phố Hà Nội, khoảng 80% trẻ đang theo học tại các
cơ sở này là tự kỷ. Điều này có thể thấy việc can thiệp cho trẻ có RLPTK hiện
nay cần được mở rộng và đa dạng hoá phương thức can thiệp. Đáp ứng nhu cầu đặc
biệt đối với nhóm trẻ đặc biệt.
Thế nào
là can thiệp tại trung tâm?
Can thiệp tại trung tâm là phương thứcgiáo dục đặc biệt cho trẻ
có các RLPT trong đó có tự kỷ. Tại đây, trẻ được học tập, vui chơi và hoà nhập
với nhau dưới nhiều hình thức khác nhau: can thiệp nhóm, cá nhân…với đội ngũ
giáo viên có đào tạo can thiệp sớm về giáo dục đặc biệt. Những chương trình can
thiệp được chọn để xây dựng giáo ánphù hợp với vấn đề của trẻ, và được theo
dõi, đánh giá chi tiết sự tiến bộ của trẻ. Dưới sự giám sát của các nhà tâm lý
có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.
Khi được hỏi về hiệu quả phương thức can thiệp tại trung tâm, cô
N., giáo viên can thiệp chia sẻ: “ Khi được can thiệp tại trung tâm, trẻ sẽ có
nhiều thuận lợi trong môi trường chuyên biệt, được tương tác với bạn bè, tiếp
cận đồ chơi, học liệu da dạng, tạo hứng thú cho trẻ khi đến lớp. Khi ấy, trẻ sẽ
làm quen với môi trường lớp học, sẽ có nhiều thuận lợi cho việc học hoà nhập
sau này.”
Chị P., phụ huynh của trẻ tự kỷ tâm sự khi được hỏi về hiệu quả
khi can thiệp tại trung tâm: “Từ khi học ở trung tâm, con có nhiều cải thiện về
hành vi và nhận thức. Tương tác có nhiều tiến bộ hơn, biết chơi với em, với bạn
hàng xóm, tuy không thường xuyên và cần hỗ trợ nhưng đó cũng là những điều chị
cảm thấy mừng, hạnh phúc. Chị nghĩ, ở trung tâm, con sẽ có nhiều cơ hội được
vui chơi, tương tác với các bạn, các cô cũng xây dựng các tình huống vui chơi
tương tác giữa các bạn với nhau nên trẻ sẽ mạnh dạn hơn.”
Chia sẻ
của cô H., giáo viên can thiệp tại trung tâm: “Môi trường can thiệp tại trung
tâm là lý tưởng cho trẻ và gia đình trẻ có điều kiện (thời gian và kinh tế).
Bởi ở đó, cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi cho trẻ.Ở
trung tâm, giáo viên có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trình độ chuyên môn, khi làm
việc với trẻ. Hơn nữa, việc quan tâm, sát sao đến vấn đề của trẻ sẽ kịp thời và
hiệu quả hơn.”
“Phương
thức can thiệp tại trung tâm có nhiều ưu điểm đáng kể, trẻ sẽ có được những quy
tắc, nề nếp nhất định trong lớp học, được giáo viên thiết lập khi can thiệp tại
trung tâm. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đánh giá vấn đề của trẻ dễ dàng hơn,
trực tiếp và kịp thời. Từ đó, trung tâm sẽ có những định hướng, tư vấn cho gia
đình hiệu quả, phù hợp với vấn đề trẻ trong thời gian tiếp theo” chị T., là cán
bộ quản lý trung tâm chia sẻ.
Phương thức can thiệp tại trung tâm nhìn chung được phụ huynh,
giáo viên, cán bộ quản lý đánh giá cao về hiệu quả. Không chỉ đáp ứng nhu cầu
về mặt học tập, sự tiến bộ của trẻ, mà bên cạnh đó còn thuận lợi cho gia đình
có thể yên tâm gửi gắm khi không có nhiều thời gian với con.
Thế nào
là can thiệp tại nhà?
Can thiệp tại nhà là phương thức giáo dục đặc biệt tại gia đình
trẻ có rối loạn phát triển, được thực hiện dưới hình thức cá nhân (1 giáo viên
-1 học sinh) có thể là giáo viên được đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt
và các ngành gần liên quan hoặc người chăm sóc trẻ. Thời gian can thiệp có thể
tối thiểu 1 giờ/ngày, được thoả thuận từ phía giáo viên và gia đình.
Trao đổi về thuận lợi và khó khăn của phương thức can thiệp trẻ
tại nhà, bài viết đã nhận được một số quan điểm chia sẻ chân thành từ giáo
viên, phụ huynh trẻ: Cô T, giáo viên can thiệp tại nhà chia sẻ: “Học ở nhà hay
ở trung tâm đều có cái tiện, bất tiện nhất định cũng tuỳ theo điều kiện mỗi gia
đình. Chị can thiệp 1 giờ buổi tối, bạn ấy nhỏ nên vấn đề ăn uống, vệ sinh chưa
tự chủ, khi đó gia đình có thể hỗ trợ. Vì cũng gặp nhiều khó khăn trong tập
trung chú ý và hợp tác trong giờ học, nên chị cũng thường xuyên hướng dẫn trao
đổi với phụ huynh về các phương pháp chơi với con khi ở nhà để gia đình có
nhiều thời gian tương tác hơn”.
“Học ở nhà thì khâu thiết lập mối quan hệ với trẻ hơi khó khăn,
vì thường trẻ sẽ ỷ lại, ngầy ngã gia đình và khó hợp tác, có khi đến nhà trẻ
khóc, ăn vạ 30 phút hoặc với gia đình không có không gian riêng, trẻ sẽ rất khó
tập trung vào bài học. Nhiều khi chị muốn quản lý hành vi và cần nghiêm khắc
cũng cảm thấy e dè vì có thể gia đình sẽ hiểu nhầm và xót con. Học ở nhà đa
phần mình phải chuẩn bị các học liệu, đồ chơi để tăng hứng thú cho trẻ. Tuy
nhiên, cũng có nhiều ca chị can thiệp, trẻ khó khăn trong việc làm bài tập về
nhà và tự học tại nhà, sau một thời gian vào nếp, bạn ấy lại rất tiến bộ và ý
thức, đó cũng là những điều thú vị trong nghề với chị”. Chị L., giáo viên can
thiệp tại nhà cho hay.
Một chia sẻ của phụ huynh có con 4 tuổi tự kỷ mức độ nhẹ chia
sẻ: “bạn nhà chị được chẩn đoán ở mức độ nhẹ, bình thường chị cho con học hoà
nhập cả ngày trên lớp. Buổi tối chị có mời giáo viên can thiệp tại nhà 1 giờ.
Chị thấy khá ổn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của gia đình, học ở nhà cô
giáo cũng khá quan tâm, chia sẻ và trao đổi sát sao tình hình học tập của con.
Chị cũng dạy kèm, tương tác chơi với con thông qua chương trình và hướng dẫn
của cô giáo khi rảnh rỗi”.
Trong mọi phương thức can thiệp đều có những thuận lợi và khó
khăn nhất định. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp khác nhau phụ huynh nên có
lựa chọn phù hợp với vấn đề của trẻ.Điều đó, giúp trẻ có những hướng đi đúng,
kịp thời với những vấn đề khó khăn đang gặp phải.
Khi nào
nên can thiệp tại nhà hay can thiệp tại trung tâm?
Việc lựa chọn các phương thức can thiệp khác nhau cũng tuỳ thuộc
vào nhiều yếu tố khác nhau. Đáp ứng các nhu cầu cần thiết của trẻ và điều kiện
thực tế của mỗi gia đình.
Can thiệp tại nhà sẽ phù hợp hơn khi: vấn đề của trẻ được đánh
giá khá nhẹ, dễ can thiệp; gia đình không có điều kiện đưa đón con thường
xuyên; khoảng cách quá xa trung tâm không tiện di chuyển; hay phụ huynh có
nhiều thời gian dành cho con…
Cần can thiệp tại trung tâm khivấn đề của trẻ được chẩn đoán là
nặng cần can thiệp tích cực (cả ngày); khi bố mẹ có ít thời gian dạy con, tương
tác với con; hoặc vấn đề trẻ phức tạp cần đa dạng hình thức can thiệp; hay gia
đình có điều kiện đưa đón cũng là một yếu tố tích cực để lựa chọn trung tâm là
nơi can thiệp hiệu quả.
Đó là
một số những gợi ý để phụ huynh có thể cân nhắc, lựa chọn phù hợp với điều kiện
gia đình hướng đến sự phát triển tốt nhất cho trẻ. Với những điều kiện hoàn
cảnh khác nhau, mỗi gia đình đều có những lựa chọn khác nhau.Với những trẻ được
chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỷ, gia đình nên lắng nghe những tư vấn từ các nhà
chuyên môn có kinh nghiệm và các chuyên gia. Bằng kiến thức và kinh nghiệm dày
dặn, họ sẽ cho đưa ra những hướng đi phù hợp nhất để đảm bảo sự phát triển tốt
nhất của trẻ.
Nguồn: Bài viết được đăng trên trang fanpage
https://www.facebook.com/chongchongsacmau/