Tác giả: Lưu Ngọc Chinh - Cán bộ dự án của trung tâm Hừng tâm Hừng Đông Từ năm 2018 đến nay, dự án đã tổ chức hàng loạt hoạt động hướng tới trẻ tự kỷ, giúp trẻ và gia đình, tạo cơ hội để trẻ được vui chơi, giao lưu, gặp gỡ, điển hình là hoạt động ngày 2/4/2019, dự án tổ chức hoạt động “Cùng Chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” tại Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh các hoạt động ngoài trời, dự án tổ chức nhiều cuộc thi online như: cuộc thi viết về chủ đề nuôi dạy trẻ tự kỷ (9/2019), mini game chụp hình với sdandee hoặc bộ tài liệu dự án (11/2020), mini game tri ân thầy cô (11/2020), cuộc thi “Khoảnh khắc cùng con” (4/2021). Các cuộc thi này cũng nhận được sự hướng ứng của gia đình trẻ tự kỷ, cán bộ can thiệp… Hơn thế nữa, dự án đã xuất bản những tài liệu hữu ích như “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam” dành cho phụ huynh, người nuôi dưỡng và dành cho cán bộ can thiệp. Từ năm 2020 đến nay, dự án đã trao tặng 4.000 cuốn tài liệu tới các trung tâm, trường giáo dục chuyên biệt và phát hành 7.000 cuốn tài liệu hình ảnh “Chơi cùng con” để dành tặng huynh, người chăm sóc trẻ tự kỷ. Năm 2021, dự án đẩy mạnh truyền thông qua trang fanpage “Chong chóng sắc màu” nhằm truyền tải thông tin, kiến thức về tự kỷ phổ biến tới nhiều đối tượng hưởng và phù hợp với tình hình chung của việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 như xây dựng thêm các mini game, đăng tải 52 chuyên đề tham khảo về kiến thức tự kỷ… Đặc biệt, từ ngày 01/4/2021, mỗi tháng dự án tổ chức tập huấn online qua Zoom với sự tham gia của hơn 200 phụ huynh học online và hàng nghìn phụ huynh học offline. Ông Trần Quang Việt – Điều phối dự án chia sẻ đây là một dự án mang tính xã hội, nhằm cung cấp kiến thức, nhận thức cho cán bộ can thiệp trẻ và cha mẹ, người chăm sóc trẻ tự kỷ, từ đó giúp họ có cái nhìn, cách tiếp cận hiện đại, ngoài việc cho trẻ can thiệp tại các trung tâm, cơ sở can thiệp, cha mẹ có thể can thiệp cho con tại gia đình. Đây là dự án có ý nghĩa lớn với xã hội, hướng tới nhóm trẻ tự kỷ, dự án là sự xúc tác cho các chính sách của nhà nước, để nhà nước nhìn nhận về đối tượng để ban hành những chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ tự kỷ. Sau hơn 2 năm hoạt động, dự án đã tiếp cận và đào tạo cho 81 trung tâm trên cả nước, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn về trẻ tự kỷ. Trong những năm tới, dự án sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông cộng đồng và vận động chính sách xã hội dành cho trẻ tự kỷ. Bà Vũ Thị Thu Hiền, giám đốc trung tâm Hừng Đông, và cũng là người tham gia tổ chức các hoạt động của dự án, chia sẻ đây là hoạt động mang tính nhân văn, là một trong những chương trình sớm nhất của tổ chức nhà nước dành cho trẻ tự kỷ, thực hiện các Quyền của trẻ em như bảo vệ, chăm sóc, học tập, vui chơi và hòa nhập cộng đồng. Dự án giúp các gia đình có con tự kỷ, giúp họ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, được cảm thông và được hỗ trợ, đây là điều các gia đình vẫn luôn mong ước bao năm qua và không còn cảm thấy cô đơn trên con đường giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Đối với cán bộ can thiệp và các tổ chức làm việc với trẻ tự kỷ, họ cảm thấy được chia sẻ phần nào trách nhiệm của mình với cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ. Bản thân cán bộ can thiệp cũng cảm thấy công việc đang làm có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng có cái nhìn cảm thông hơn với trẻ tự kỷ, dự án góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tránh kỳ thị và cô lập trẻ em tự kỷ. Cô T., một cán bộ can thiệp, đã được tham gia tập huấn “Thử nghiệm tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam”, cô cảm thấy hoạt động này rất có ý nghĩa. Cuốn sách “Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ” là cuốn sách khách quan, được thực hiện bởi những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, trích dẫn những tài liệu mang tính khoa học, hơn thế nữa, cuốn sách này còn được phụ huynh và cán bộ can thiệp góp ý chỉnh sửa, nhờ đó mà bộ tài liệu này dễ hiểu và gần gũi hơn với người đọc. Cô N., cũng là cán bộ can thiệp, đã tham gia khóa tập huấn về “Nâng cao năng lực hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam”. Cô cho rằng đây là dự án rất có ý nghĩa cho cộng đồng nói chung và cho trẻ tự kỷ nói riêng. Dự án đi theo hướng đào tạo cho cán bộ, điều này giúp cho cán bộ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề tự kỷ trong xã hội. Các gia đình có con tự kỷ được tham gia dự án của nhà nước, các gia đình cảm thấy được quan tâm, hỗ trợ; trẻ nhận được nguồn hỗ trợ khoa học. Cộng đồng nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ. Cô N hy vọng dự án ngày càng mở rộng, kêu gọi nhiều tài trợ cũng như bổ sung chính sách dành cho trẻ tự kỷ. Chị H., người mẹ của một con trai tự kỷ 18 tuổi, đã rất hạnh phúc khi được cầm cuốn sách “Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ”. Chị chia sẻ rằng hồi trước việc tìm sách, tìm trung tâm cho con là một điều rất khó khăn, bây giờ khi có được những cuốn sách chính thống, khoa học dành cho các bạn tự kỷ là một điều rất tuyệt vời. Chị cảm thấy hạnh phúc vì bây giờ mọi người quan tâm nhiều hơn đến nhóm trẻ tự kỷ, nhà nước có nhiều chính sách dành cho trẻ tự kỷ, bản thân chị cảm thấy được chia sẻ phần nào những khó khăn của mình. Qua đó, ta nhận thấy dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” nhận được sự đánh giá cao của những người thực hiện dự án, của giáo viên và gia đình trẻ. Đây là dự án có ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho trẻ tự kỷ, cho gia đình, người chăm sóc trẻ, cho cán bộ can thiệp và cho cộng đồng và xã hội. Dự án giúp nâng cao kiến thức, hiểu biết về trẻ tự kỷ, về phương pháp can thiệp cho trẻ từ đó mọi người sẽ có cách nhìn đúng đắn và có cách ứng xử phù hợp với trẻ tự kỷ. Hy vọng dự án sẽ được mở rộng và duy trì lâu dài để có thể giúp nhiều trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng hơn.Nguồn: Bài viết được đăng trên trang fanpage https://www.facebook.com/chongchongsacmau/posts/1130424074105962 Tài liệu tham khảo
|