Rối loạn phát triển là một nhóm các rối loạn xuất hiện sớm trong
quá trình phát triển, thường ở thời điểm trước khi trẻ đến trường và được đặc
trưng bởi những thiếu hụt phát triển, từ đó dẫn đến suy yếu chức năng cá nhân,
xã hội, học tập và nghề nghiệp (theo tiêu chí của DSM-5). Các rối loạn thường
gặp là rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỉ, rối
loạn tăng động giảm chú ý.
Trẻ em
rối loạn phát triển được phát hiện sớm, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập sẽ có
thể giảm thiểu các khiếm khuyết và khó khăn mà trẻ gặp phải, giúp trẻ phát
triển tối đa tiềm năng của bản thân. Tại khu vực thành thị, các chương trình
hoặc dịch vụ hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển đa dạng, bên cạnh các chương
trình hỗ trợ của nhà nước thì các dịch vụ tư nhân cũng phát triển linh hoạt phù
hợp với nhu cầu của trẻ và gia đình. Tuy nhiên, tại khu vực vùng cao, trẻ rối
loạn phát triển thường được phát hiện muộn và ít có cơ hội tiếp cận với các
chương trình hỗ trợ can thiệp, giáo dục. Trẻ có nhiều khó khăn, hạn chế còn gia
đình thì thiếu kiến thức và hiểu biết về vần đề của trẻ, thường rơi vào bế tắc.
Do vậy, các chương trình hỗ trợ giáo dục hòa nhập dành cho trẻ rối loạn phát
triển ở vùng cao rất quan trọng và cần thiết.
Giáo
dục hòa nhập là hình thức giáo dục mà trong đó trẻ rối loạn phát triển tham gia
học tập cùng với các trẻ em khác thông qua việc “xác định và đáp ứng nhu cầu đa
dạng của tất cả học sinh, không phân biệt về hoàn cảnh xã hội, kinh tế, văn
hóa, ngôn ngữ, thể chất” (theo định nghĩa của tổ chức UNESCO). Giáo dục hòa
nhập bao gồm việc trẻ được đến trường, giáo viên có sự điều chỉnh giáo trình,
phương thức, cách dạy để tiếp cận và thích nghi với trẻ, cơ sở vật chất và các
hoạt động chung của lớp được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với khó khăn của trẻ.
Thông
qua hoạt động giáo dục hòa nhập, trẻ rối loạn phát triển được đảm bảo và thực
hiện quyền được giáo dục, học tập – quyền cơ bản của con người. So với trẻ học
tại môi trường giáo dục chuyên biệt thì môi trường giáo dục hòa nhập giúp trẻ
cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn. Báo cáo nghiên cứu về “sự sẵn sàng cho giáo dục
trẻ khuyết tật, nghiên cứu tại 8 tỉnh ở Việt Nam” cho thấy rằng khi tương tác
với trẻ khuyết tật tại cả trường thông thường và trường chuyên biệt, nhóm
nghiên cứu nhận thấy trẻ khuyết tật học tại các trường thông thường thì cảm
thấy hạnh phúc khi có bạn bè là trẻ không khuyết tật, được là một phần trong hệ
thống các trường thông thường. Trong khi trẻ khuyết tật học tại trường chuyên
biệt thì khát khao được ra khỏi trường vì các em muốn được ra ngoài, trở thành
một phần của cộng đồng và thấy nhớ nhà. Không chỉ có ý nghĩa với trẻ khuyết
tật/rối loạn phát triển, giáo dục hòa nhập giúp trẻ bình thường tiếp nhận, chấp
nhận những sự khác biệt của con người, có thái độ tích cực, thân thiện, tạo môi
trường bình đẳng trong mối quan hệ bạn bè.
Như
vậy, cũng giống như các trẻ em khác, nhu cầu được học tập, vui chơi và tham gia
các hoạt động xã hội cùng bạn bè, cùng mọi người của trẻ rối loạn phát triển là
rất lớn và thiết thực. Do đó, giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển là
vấn đề cần thiết, giúp đảm bảo quyền lợi của trẻ và sự bình đẳng trong xã hội,
đặc biệt là ở các tỉnh vùng cao (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn,
Điện Biên) – nơi điều kiện kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, dân trí còn
thấp và các dịch vụ can thiệp, giáo dục dành cho trẻ rối loạn phát triển còn
yếu kém.
Để đảm
bảo quyền lợi và tạo môi trường phát triển tối đa cho trẻ rối loạn phát triển
nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ
giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật và các văn bản chỉ đạo các ban, ngành
liên quan thực hiện giáo dục hòa nhập trong trường học được quy định cụ thể
trong luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:
Về độ tuổi nhập học, trẻ
khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định. Thông tư số
50/2012/TT-BGDĐT, ngày 18/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Mục 2 Điều 1
có điều chỉnh độ tuổi cho trẻ em khuyết tật vào học lớp 1 ở tuổi từ 7 đến 14
tuổi.
Về chương trình học đối
với trẻ khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, người đứng đầu
cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn
học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong
kế hoạch giáo dục cá nhân. Đánh giá kết quả học tập chung như học sinh không
khuyết tật nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Đối với những môn học
hoặc hoạt động giáo dục người khuyết tật không đáp ứng được yêu cầu chung thì
được đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân, không đánh giá những nội dung môn
học, hoặc nội dung giáo dục được miễn.
Về học phí, người khuyết
tật được miễn, giảm học phí, chi phí học tập theo quy định tại Nghị định
49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi
phí học tập và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về việc
sửa đổi, bổ sung.
Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương
cơ sở. Thời giản hưởng trợ cấp là 10 tháng/năm học và 9 tháng/năm học tùy từng
đối tượng.
Người
khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục
được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000
đồng/người/năm học.
Ngoài
ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn mở trang web: giaoduchoanhap.edu.vn. Ở đây có
đầy đủ các thông tin về giáo dục hòa nhập từ các văn bản quy phạm pháp luật đối
với trẻ khuyết tật cũng như giáo dục hòa nhập, những dấu hiệu của trẻ khuyết
tật với các dạng tật khác nhau, tương ứng là những cách can thiệp phù hợp với
từng dạng tật.
Như vậy, nhà nước đã có những chính sách cụ
thể ban hành các hướng dẫn về thực hiện giáo dục hòa nhập. Hệ thống giáo dục,
chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cơ chế thanh tra trường học và
giáo viên đóng vai trò chủ yếu để đảm bảo giáo dục hòa nhập chất lượng tại Việt
Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện giáo dục hòa nhập vẫn còn là một thách thức, đặc
biệt với các khu vực vùng cao vì nhận thức còn hạn chế về các chính sách giáo
dục hòa nhập, thiếu chương trình tập huấn cho giáo viên, thiếu cơ sở vật chất
đảm bảo để trẻ rối loạn phát triển tham gia học hòa nhập...
Bên
cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, các tổ chức phi chính phủ đã
triển khai các dự án về giáo dục hòa nhập nhằm giúp những trẻ em bị thiệt thòi
(khuyết tật, rối loạn phát triển) được đẩy mạnh sự hòa nhập xã hội. Một số dự
án tiêu biểu như: Dự án “hướng tới giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và trẻ
bị thiệt thòi dựa trên nhân quyền tại tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam” do tổ chức
Handicap International (HI) phối hợp với Save the Children tổ chức giai đoạn
2009-2012; dự án “Quyền học tập của em” do ChildFund tài trợ thực hiện tại
huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) và huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã được thực hiện
từ năm 2019 đến năm 2022. Các dự án đã tác động vào nhiều đối tượng trong cộng
đồng bao gồm: trẻ em bị thiệt thòi, phụ huynh của trẻ, giáo viên, cán bộ địa
phương, hội người khuyết tật, cán bộ ngành giáo dục… nhằm nâng cao nhận thức và
năng lực của họ về giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển. Thông qua các
hoạt động như:
Thực
hiện các khóa đào tạo cho giáo viên, nhà quản lý, phụ huynh của trẻ
Xây
dựng Đội Hỗ trợ Giáo dục Hòa nhập gồm các thành viên có trách nhiệm tiếp quản
hoạt động của dự án và nhân rộng các thành công ở các xã và huyện khác
Thực
hiện các hoạt động kết nối Trẻ-Trẻ: Thông qua những trò chơi và hoạt động xây
dựng tình bạn, tất cả các trẻ, dù có hay không có khuyết tật đều bắt đầu hiểu
về khuyết tật, về các khó khăn mà người bạn khuyết tật của mình gặp phải, hiểu
về việc không phân biệt đối xử và có thái độ tích cực
Thành
lập các Câu lạc bộ phụ huynh trẻ khuyết tật để đẩy mạnh mối quan hệ giữa nhà
trường và cha mẹ, đảm bảo rằng phụ huynh cũng có tiếng nói trong việc phát
triển giáo dục hòa nhập
Thành
lập Hội người khuyết tật để tạo tiếng nói cho chính người khuyết tật tại địa
phương, là động lực để người khuyết tật nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng
tham gia vào các hoạt động học tập, văn hóa, xã hội, là lực lượng tạo điều kiện
phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật tại địa phương.
Nhờ có
các dự án như thế này mà các giáo viên, quản lý nhà trường và cán bộ Sở Giaos
dục và Đào tạo được cập nhật kiến thức từ các cuộc hội thảo tập huấn và có kinh
nghiệm thực tế làm giáo dục hòa nhập từ dự án. Từ đó, họ có một tâm thế sẵn
sàng khi áp dụng các chính sách pháp luật về giáo dục người khuyết tật vào thi
hành ở khắp tỉnh.
Như
vậy, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã quan tâm và có các chương trình hỗ trợ
giáo dục hòa nhập dành cho trẻ rối loạn phát triển ở vùng cao. Điều này phù hợp
với Bản tuyên bố Salamanca (từ hội nghị quốc tế UNESCO về giáo dục đặc biệt năm
1994) đã nêu: “Giáo dục hòa nhập là cách tốt nhất để đấu tranh với những thái
độ phân biệt đối xử, để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiến tới giáo dục cho
tất cả mọi người”
ThS. Vũ Thị Thu Hiền
và CN. Phan Thị Hoài - Trung tâm Hừng Đông (B26/22)
Tài liệu tham khảo:
- Lê Duy Dũng, Nguyễn
Hồng Kiên (2019), “Đánh giá hiệu quả các chính sách giáo dục dành cho trẻ
khuyết tật và đề xuất biện pháp quản lí giáo dục hòa nhập ở trường học Việt
Nam”, Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam, bài số 11 - số 23 tháng 11 năm 2019.
- Chương trình quốc
gia ký kết giữa UNICEF và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2012 – 2016, “Sự sẵn
sàng cho giáo dục trẻ khuyết tật nghiên cứu tại 8 tỉnh ở Việt Nam”, báo cáo năm
2015
Bài viết được trích từ website: https://www.facebook.com/chongchongsacmau