Một trong những khó khăn xã hội cốt lõi đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là tương tác với bạn bè, đặc biệt là trong bối cảnh vui chơi. Trong tương tác chơi ngang hàng, trẻ ADHD gặp khó khăn trong việc: chia sẻ, hỗ trợ, phản ứng với các tín hiệu xã hội, chơi hợp tác, quan điểm và tự tập trung hơn so với trẻ bình thường (Cordier, 2010).
Nhóm kỹ năng tuân thủ luật chơi khi tham gia hoạt động nhóm cho nhóm trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý lứa tuổi tiểu học
Nhóm trẻ tham gia lớp là những trẻ ở độ tuổi tiểu học có rối loạn tăng động/giảm tập chú ý và các vấn đề về giao tiếp, kỹ năng xã hội, các vấn đề về cảm xúc. Một số kỹ năng mà nhóm trẻ này thường thiếu hụt như: kỹ năng khởi xướng tương tác, kỹ năng đàm phán, kỹ năng chia sẻ, kỹ năng hỗ trợ người khác, mức độ thời gian tham gia vào tương tác xã hội, cường độ tham gia với người khác trong các tương tác xã hội, kỹ năng xã hội khi tương tác với người khác, kỹ năng đưa ra các tín hiệu bằng lời nói và không bằng lời nói và kỹ năng phản ứng lại lời nói và không bằng lời nói của người khác,... dựa trên thang ToP (The Test of Playfulness)

Mỗi kỹ năng được chia thành các bước hành vi của nó, được dạy thông qua hướng dẫn hình ảnh trực quan, mô hình và biểu tượng, nhập vai, diễn tập hành vi và rèn luyện bởi giáo viên trong bối cảnh nhóm. Nói chung, các bước hành vi minh họa việc thực hiện kỹ năng. Ví dụ: kỹ năng ''thực hiện chỉ dẫn'' sẽ bao gồm các bước hành vi sau: 1) xem ai đang yêu cầu bạn làm theo chỉ dẫn, 2) dừng những gì bạn đang làm và lắng nghe những gì được nói, 3) diễn đạt chỉ dẫn bằng lời, và 4) thực hiện nó, làm theo những yêu cầu.
Mô tả hoạt động lớp
Đối tượng tham gia lớp kỹ năng của chúng tôi là các trẻ trong độ tuổi tiểu học có rối loạn tăng động giảm chú ý. Các trẻ này được chẩn đoán là có rối loạn tăng động giảm chú ý tại bệnh viện hoặc tại các trung tâm can thiệp trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý. Phòng học có diện tích 20 m2. Số lượng trẻ trong một lớp dao động trong khoảng 4 - 6 trẻ. Đồng hành với các trẻ trong mỗi buổi sẽ có 1 giám sát chuyên môn, 1 giảng viên chính và 1 trợ giảng.
Một buổi học kỹ năng xã hội có thời lượng là 90 phút và được chia làm 3 phần gồm: phần chơi đầu giờ, phần nội dung bài học kỹ năng và cuối buổi học là phần nhận phần thưởng. Trong đó, từ 20 phút đầu giờ giáo viên sẽ tổ chức trò chơi cho các trẻ, 50 phút tiếp theo là nội bài dạy, cuối cùng phần nhận thưởng kép dài trong 20 phút.
Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi rèn luyện kỹ năng tuân thủ luật chơi khi tham gia hoạt động nhóm cho nhóm trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý lứa tuổi tiểu học được thực hiện trong phần đầu của buổi học.
Các bước rèn luyện kỹ năng tuân thủ luật chơi với trẻ tăng động giảm chú ý lứa tuổi tiểu học khi tham gia hoạt động nhóm
Để rèn luyện kỹ năng tuân thủ luật chơi với trẻ tăng động giảm chú ý lứa tuổi tiểu học khi tham gia hoạt động nhóm cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị buổi chơi nhóm
Trước khi bắt đầu một buổi học giáo viên cần chuẩn bị giáo án để bắt đầu buổi học, trước khi tổ chức một trò chơi cũng cần có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ giáo án, các học liệu cần thiết cho việc tiến hành trò chơi.
Các học liệu cần thiết để tiến hành trò chơi: Trước khi tiến hành chơi, cơ sở vật chất cơ bản của phòng học nơi diễn ra hoạt động chơi cần được đảm về: Ánh sáng, bàn ghế, máy chiếu còn sử dụng tốt, màu sắc phòng học cần đảm bảo sự trung tính; tùy vào từng trò chơi cụ thể mà các dụng cụ phục vụ cho trò chơi cần chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu chơi. Không gian phòng cần có diện tích đủ thoải mái cho việc tiến hành các trò chơi.
Bước 2: Phổ biến luật chơi
Trước khi bắt đầu tham gia trò chơi, giáo viên sẽ phổ biến luật chơi thông qua nhiều hình thức như: Giải thích luật chơi, viết luật chơi lên bảng, chiếu các hình ảnh và video liên quan đến cách thức tham gia trò chơi; sử dụng dụng cụ hỗ trợ (con rối).
Việc trình chiếu video và hình ảnh khi phổ biến luật chơi, điều này đã góp phần hỗ trợ trẻ em hình thành trước các kỹ năng xã hội mà trẻ cần trong các tương tác trò chơi xã hội và dự đoán tác động của hành động của chúng đối với trạng thái cảm xúc của bạn cùng chơi (cần được chuẩn bị trước phù hợp với nội dung của trò chơi).
Bước 3: Làm mẫu
giáo viên thực hành làm mẫu để trẻ cùng quan sát. Khi tiến hành làm mẫu, các động tác thực hiện cần chậm để trẻ dễ dàng quan sát quan sát; khi thực hiện làm mẫu cần phân tích các lỗi có thể gặp trong trò chơi, cách hiệu quả nhất để tham gia trò chơi. Việc làm mẫu có thể tiến hành qua nhiều hình thức khác nhau như làm mẫu trực tiếp, làm mẫu qua việc cho trẻ xem các video mẫu, các hình ảnh mẫu.
Bước 4: Chơi thử/ điều chỉnh
Sau khi giáo viên làm mẫu cho trẻ quan sát, giáo viên cho trẻ chơi thử. Trong quá trình trẻ chơi thử, giáo viên quan sát và chỉnh sửa khi trẻ chơi chưa đúng cách chơi. Ví dụ: Khi trẻ tham gia trò chơi “bịt mắt bắt dê”, trẻ cần tuân thủ 6 quy tắc bao gồm: (1) Tay ra cùng nhau khi oẳn tù tì; (2) người oẳn tù tì thắng sẽ làm dê, trẻ thua sẽ làm người bắt dê; (3)mắt người bắt dê phải được bịt kín; (4) người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê; (5) không được đi ra khỏi vòng tròn; (6) người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một người chơi khác thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Khi trẻ chưa thực hiện đúng bất kỳ quy tắc nào trong luật chơi, giáo viên sẽ điều chỉnh hành vi của trẻ bằng cách chỉ ra cho trẻ biết trẻ đang vi phạm luật chơi, sau đó giáo viên nhắc lại quy tắc đúng và yêu cầu trẻ thực hiện lại.
Bước 5: Bắt đầu chơi
Khi bắt đầu trò chơi, giáo viên sẽ chia trẻ thành các nhóm, các trẻ trong cùng một nhóm sẽ cùng nhau hợp tác để chơi. Tùy vào số lượng trẻ cụ thể mà giáo viên có thể chia ra làm nhiều hay ít nhóm. Khi chơi, giáo viên đứng cạnh để nhắc nhở trẻ tuân thủ đúng luật chơi; khi mới thực hành kỹ năng tuân thủ luật chơi, giáo viên có thể chia trẻ thành các nhóm nhỏ để giáo viên giáo viên dễ dàng nhắc nhở, điều chỉnh các hành vi không phù hợp của trẻ. Khi trẻ tương tác tốt trong các nhóm nhỏ, giáo viên có thể cho trẻ chơi trong nhóm lớn hơn.
Bước 6: Khuyến khích/Củng cố
Giáo viên củng cố những hành vi phù hợp trong khi chơi thử và khi chơi bằng cách chỉ ra các hành vi cụ thể trẻ đã thực hiện tốt khi tuân thủ các quy tắc trong hoạt động chơi, những hành vi phù hợp và trẻ nhận được các phần thưởng như những lời khen ngợi, ngôi sao,... để định hình hành động của trẻ. Giáo viên cần có những biện pháp để dập tắt các hành vi không phù hợp trong lớp học. Khi trẻ cải thiện hành vi trong lớp học phù hợp với mong đợi, giáo viên cần củng cố để khuyến khích trẻ để trẻ thể hiện nhiều hơn những hành vi đó.
Trong quá trình tham gia rèn luyện kỹ năng tuân thủ luật chơi khi tham gia hoạt động nhóm cho trẻ ADHD lứa tuổi tiểu học, chúng tôi nhận thấy trẻ trên lớp có những thay đổi mang tính tích cực hơn như: trẻ kéo dài thời gian chú ý hơn, giảm dần những xung động, biết chờ đợi đến lượt chơi của mình và giảm dần những hành vi trêu chọc bạn.
Tác giả: Ngô Chí Hiếu và Hoàng Thị Phước (Trung tâm Hừng Đông) (B50/22)
Bài viết được trích từ: https://www.facebook.com/chongchongsacmau
Tài liệu tham khảo
Barkley, R. A. (1997). Behavioral inhibition, sustained attention, and executive functions: constructing a unifying theory of ADHD. Psychological bulletin, 121(1), 65.
Barkley, R. A., Fischer, M., Edelbrock, C. S., & Smallish, L. (1990). The adolescent outcome of hyperactive children diagnosed by research criteria: I. An 8-year prospective follow-up study. Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, 29(4), 546-557.
Bundy, A. (2004). Test of Playfulness (ToP): Version 4.0. Sydney, Australia: The University of Sydney.
Cordier, R., Bundy, A., Hocking, C., & Einfeld, S. (2009). A model for play‐based intervention for children with ADHD. Australian Occupational Therapy Journal, 56(5), 332-340.
Cordier, R., Bundy, A., Hocking, C., & Einfeld, S. (2010). Empathy in the play of children with attention deficit hyperactivity disorder. OTJR: Occupation, Participation and Health, 30(3), 122-132.
Drewes, A. A., & Schaefer, C. E. (Eds.). (2010). School-based play therapy. John Wiley & Sons.
Lane, S. J., & Bundy, A. C. (2011). Kids can be kids: A childhood occupations approach. FA Davis.
Stagnitti, K., & Cooper, R. (2009). Play as therapy: assessment and therapeutic interventions. Jessica Kingsley Publishers.
Uekermann, J., Kraemer, M., Abdel-Hamid, M., Schimmelmann, B. G., Hebebrand, J., Daum, I., ... & Kis, B. (2010). Social cognition in attention-deficit hyperactivity disorder (ADHD). Neuroscience & biobehavioral reviews, 34(5), 734-743.
Willcutt, E. G. (2012). The prevalence of DSM-IV attention-deficit/hyperactivity disorder: a meta-analytic review. Neurotherapeutics, 9(3), 490-499.
Wilkes-Gillan, S., Bundy, A., Cordier, R., Lincoln, M., & Chen, Y. W. (2016). A randomised controlled trial of a play-based intervention to improve the social play skills of children with attention deficit hyperactivity disorder (ADHD). PloS one, 11(
, e0160558.