Theo Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Hoa Kỳ, âm nhạc tạo ra một môi trường mà ở đó bạn cảm thấy an toàn, thoải mái. Tại trung tâm Hừng Đông các trẻ tham gia trị liệu, can thiệp với các hoạt động được xây dựng, cấu trúc chặt trẽ từ thời gian bắt đầu khi đón trẻ, cho tới khi trẻ trở lại với gia đình vào cuối buổi. Một trong số những hoạt động chúng tôi xây dựng đan xen là hoạt động âm nhạc, hội họa, Yoga…trong bài viết này chúng tôi giới thiệu một số hoạt động đã được triển khai trong các buổi hoạt động âm nhạc. Hoạt động theo âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và tâm hồn trẻ em. Đó là kết hợp đồng điệu giữa toàn bộ cơ thể xoay chuyển, sắc thái biểu cảm của khuôn mặt, “hơi thở” trong từng động tác với các tiết tấu, giai điệu âm nhạc. Nhịp điệu của âm nhạc có khả năng kích thích trẻ vận động một cách hứng thú, tích cực, giúp trẻ phát triển cảm giác về nhịp điệu, phát triển trí tuệ, tư duy hình tượng, sáng tạo, định hướng không gian và vận động tinh. Mục tiêu của các hoạt động hướng tới những giây phút trẻ được vận động, được hoạt động, được khám phá về âm nhạc, tạo cảm xúc thoải mái, vui vẻ, để tiếp tục các giờ trị liệu khác.
Tạo kết nối: Việc trẻ chấp nhận một người nào đó bước vào thế giới của trẻ là một điều không hề dễ dàng, nhưng thông qua âm nhạc, chúng ta có thể cùng trẻ hòa với thế giới mà trẻ đang có, hướng trẻ đến thế giới mà trẻ cần, từ đó dẫn dắt trẻ hướng đến các trạng thái tinh thần tích cực và hành vi tích cực. Trẻ mở lòng đón nhận và duy trì kết nối lâu hơn.

Tăng giao tiếp: Âm nhạc là thứ ngôn ngữ không lời, không chỉ có giá trị với người bình thường mà thực sự giá trị với các trẻ. Thông qua các trò chơi âm nhạc cần sự tương tác thầy trò, tương tác với các bạn trẻ dần học được cách chơi và hiểu được quy luật của trò chơi.
Tăng vận động thô và vận động tinh: Một số bài hát khi sử dụng động tác minh họa sẽ giúp trẻ dễ hiểu, dễ hình dung. Các động tác được sử dụng để minh họa cho bài hát đi từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ vận động thô đến vận động tinh. Trẻ dễ dàng bắt chước từ đó tăng kỹ năng vận động.
Thúc đẩy tinh thần: Với một số trẻ khi ở trạng thái tinh thần phấn khích thái quá, âm nhạc dễ dàng khiến trẻ trở nên lắng dịu, bình tĩnh và vượt qua được sự kích thích cảm xúc thái quá của mình bằng những giai điệu nhẹ nhàng…. Hoặc ngược lại, với những trẻ ở trạng thái tinh thần quá trầm lắng, thu mình, những chất liệu âm nhạc mạnh mẽ, vui nhộn đã giúp trẻ dần cởi mở hơn, vui hơn, hoạt bát hơn, dẫn dắt trẻ hướng đến cảm xúc tích cực hơn.

Tăng sự tập trung chú ý: Ban đầu khi đưa âm nhạc vào buổi học của trẻ, thời lượng tương tác chỉ có thể từ 5p, 10p hoặc 15p, nhưng giờ đây thời lượng tương tác đã tăng lên đáng kể, là 30p và thậm chí còn nhiều hơn. Khi chúng tôi cho trẻ nghe nhạc hòa tấu vào cuối mỗi buổi học, chúng tôi nhận thấy sự chăm chú của trẻ thể hiện rõ nét trên từng khuôn mặt.
Nhận biết thế giới xung quanh thông qua âm nhạc: Sử dụng âm nhạc để giới thiệu cho trẻ về vô vàn thứ trong cuộc sống, về tiếng kêu của các con vật, về sự chuyển động nhẹ nhàng hay hùng hổ của các con vật, giới thiệu về ngôi nhà mà trẻ đang sống, về các vật dụng trong nhà mà trẻ đang sử dụng, về các phương tiện giao thông mà trẻ gặp trên đường, về các mùa trong năm…
Khả năng tưởng tượng: Khi kết hợp những chất liệu âm nhạc nhẹ nhàng cùng lời dẫn dắt mô tả của giáo viên, có thể giúp trẻ tượng tượng về nhiều điều trong cuộc sống. Ví dụ: về một bầu trời với những đám mây bay cùng cánh chim bay lượn.
Vậy, cha mẹ có thể làm gì, chơi gì với con khi ở nhà, nếu cha mẹ không phải là một chuyên gia âm nhạc. Chúng tôi, đưa ra một số gợi ý hoạt động đơn giản mà bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể làm được

Vỗ tay theo nhịp điệu bài hát: Bất kỳ bài hát nào vang lên cũng có nhịp điệu đều đặn. Cha mẹ hãy hòa mình với trẻ, vỗ tay, lắc lư đều đặn theo nhịp để kết nối với trẻ. Một cách mới mẻ hơn, chúng ta hãy sử dụng nồi niêu xoong chảo, cốc chén, những thứ có thể phát ra âm thanh, dùng chúng như một nhạc cụ để giữ nhịp điệu đó, như vậy cha mẹ và con đã là một ban nhạc rồi đấy.
Khi trẻ bị kích thích thái quá, cha mẹ có thể cho trẻ nghe những bản nhạc du dương, nhẹ nhàng, sâu lắng. Ví dụ: bài hát không lời “Mulberry Bush”. Với tốc độ chậm, bằng với nhịp tim của trẻ lúc bình tĩnh vào khoảng 60 nhịp/1 phút sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn. Hoặc những bài hát khởi động “Freeze and Dance” sẽ giúp trẻ hoạt bát hơn.
Hát với đơn âm: Nếu cha mẹ không thuộc lời bài hát, không sao cả. Nếu cha mẹ cảm thấy hát không hay cũng không sao cả. Đơn giản là những âm, những từ mà cha mẹ muốn con được học thì đều có thể mang ra áp dụng với những bài hát mà con bị thu hút. Ví dụ: thay vì hát “một con vịt xòe ra hai cái cánh…” chúng ta có thể hát “à a à à a a a á…” hoặc “nhện, nhên, nhện, nhên…..” nghe có vẻ không xuôi tai, nhưng điều quan trọng là giai điệu của âm nhạc sẽ giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc hơn.
Hoạt động tưởng tượng: cha mẹ có thể sử dụng một bài nhạc nhẹ nhàng, ngồi yên tĩnh với trẻ, sử dụng ngôn ngữ giản dị nhất của chính cha mẹ để mô tả về bức tranh và quan trọng hơn tất cả là cha mẹ hãy cùng vẽ bằng tất cả tình yêu thương thuần khiết nhất dành cho con.
Âm nhạc là sợi dây kết nối vô hình, âm nhạc hiện diện trong từng khoảnh khắc của chúng ta. Vì vậy, hãy để âm nhạc hỗ trợ trẻ trong quá trình phát triển của mình, tạo môi trường âm nhạc mọi lúc mọi nơi để giúp trẻ luôn cảm thấy an toàn, thư thái và dễ dàng hòa mình với thế giới này.
Tác giả bài viết: Phan Thị Thanh Túy
Giáo viên âm nhạc tại trung tâm Hừng Đông