Báo cáo viên ThS Lê Thị Hương Thơ trình bày trước Hội thảo mạng lưới VDDN bài tham luận “Tổ chức giáo dục giới tính cho trẻ rối loạn phát triển trong độ tuổi vị thành niên”. Phần trình bày thuộc tiểu ban Kỹ năng sống - kỹ năng xã hội, tại Hội thảo khoa học và hội thao lần thứ nhất của Mạng lưới cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển Việt Nam, được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 năm 2022, tại Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Dưới đây là phần tóm lược báo cáo tham luận của ThS Lê Thị Hương Thơ, đại diện Trung tâm Hừng Đông cơ sở Ecopark.
Hầu hết chúng ta đều nhận thấy rằng, nhóm trẻ Rối loạn phát triển có sự phát triển nhanh chóng về mặt thể chất, tuy nhiên nhận thức và các mối quan hệ xã hội của trẻ rất hạn chế. Chính vì vậy, nguy cơ trẻ bị lạm dụng tình dục rất cao. Trong khi đó, nhà trường và phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc dạy các kiến thức giới tính cho con. Ngoài ra, trẻ chưa có kỹ năng ứng phó với những thay đổi về mặt tâm sinh lý sẽ dẫn đến việc xuất hiện những hành vi không mong muốn.
Chúng ta không thể ngăn trẻ lớn lên, không thể thay thế bố mẹ của trẻ nhưng chúng ta có thể trang bị cho trẻ các kỹ năng thông qua việc tổ chức lớp học về giới tính, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi). Bởi trong giai đoạn này, cơ thể phát triển mạnh về tính dục, nhân cách dần được hình thành, trẻ không những cần chỉ dẫn từ người lớn mà còn cần được cầm tay chỉ việc đối với từng kỹ năng cơ bản nhất.
Tiếp nối phần đặt vấn đề và cơ sở lý luận, chúng tôi đưa ra thực trạng tổ chức hoạt động giáo dục giới tính cho trẻ RLPT độ tuổi vị thành niên. Nhóm trẻ RLPT cần tự nguyện tham gia lớp giáo dục giới tính, người dạy nên khuyến khích, khích lệ, động viên để trẻ tham gia thay vì gò ép, chấp nhận cho trẻ tham gia một phần hoặc tham gia học thử đối với những trẻ mới tham gia học hoặc những trẻ chưa thật sự sẵn sàng.

Đặc điểm của nhóm là khả năng nhận thức ở mức khá tương đồng. Điều này tạo điều kiện cho người dạy dễ dàng hơn trong việc thiết kế nội dung phù hợp cho cả lớp. Hơn thế nữa, việc cùng học với các bạn có khó khăn tương tự sẽ khiến trẻ cảm thấy có sự đồng điệu, tự tin thể hiện mình, chủ động giao tiếp với bạn, phần nào tránh được rào cản mặc cảm, tự ti vốn có.
Đối với người dạy, cần nắm vững kiến thức giáo dục giới tính, có kinh nghiệm và các kỹ năng tổ chức lớp học, hiểu được đặc điểm của các trẻ tham gia lớp; thiết kế nội dung bài dạy và lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp với nhóm trẻ; truyền động lực và quan tâm tới cảm xúc của trẻ. Trợ giảng là người hỗ trợ đắc lực cho người dạy, giúp quản lý hành vi của trẻ, hướng dẫn và đồng hành với trẻ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được đưa ra trong bài học; ghi chép, chụp hình, thưởng quy đổi cho trẻ; nắm rõ nội dung bài dạy; chuẩn bị giáo cụ cần thiết cho buổi học.
Lớp giáo dục giới tính nên được tổ chức trong phòng kín (không quá rộng), có nhà vệ sinh để thuận lợi hơn trong việc quản lý hành vi của trẻ; bàn ghế nhựa/gỗ có thể di động, gấp gọn nhằm phục vụ cho các hoạt động đa dạng trong buổi học (thảo luận nhóm, xem video, đóng vai,…). Thời lượng của lớp học thường được thiết kế 90 phút/buổi, 1-2 buổi/tuần.
Phương pháp dạy học đa dạng, phong phú nhằm phát huy tốt nhất sự tham gia tích cực của học sinh vào bài học. Tác giả bài viết nhấn mạnh vào các phương pháp sau đây:

Khi soạn bài cho từng buổi học, người dạy có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xác định rõ nội dung, mục tiêu của từng buổi học;
Bước 2: Tiên lượng thời gian cần thiết cho từng hoạt động (mỗi buổi học thường có 5 hoạt động); lựa chọn phương pháp phù hợp; lên danh sách giáo cụ cần thiết;
Bước 3: Các hoạt động (gồm gợi ý cách thức và các bước thực hiện; nhiệm vụ của người dạy chính, trợ giảng và học sinh);
Bước 4: Tổng kết hoạt động và giới thiệu chủ đề của buổi kế tiếp.
Tác giả đã đưa ra một số chủ đề giáo dục giới tính cho nhóm trẻ RLPT trong độ tuổi vị thành niên, bao gồm: Cơ thể con trai và con gái khác nhau như thế nào?, kinh nguyệt/mộng tinh, vệ sinh cá nhân-phòng ngừa viêm nhiễm, nhận biết và phòng ngừa xâm hại tình dục.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức giáo dục giới tính cho trẻ rối loạn phát triển trong độ tuổi vị thành niên do chính tác giả thực hiện đã đem lại những kết quả tích cực về mặt nhận thức, hành vi và cảm xúc của trẻ. Cụ thể, sau khi tham gia lớp học, trẻ có thể nêu được những điểm khác biệt giữa cơ thể con trai và con gái; phân loại được những đồ dùng dành chon nam và nữ; có cảm xúc tích cực trước sự thay đổi của cơ thể; trẻ biết được cơ thể sẽ xuất hiện kinh nguyệt/mộng tinh khi dậy thì, từ đó có thể chuẩn bị sẵn tâm thế, tránh được những cảm xúc lo lắng, sợ hãi quá mức, có kỹ năng vệ sinh cá nhân đúng cách (ví dụ: thay băng vệ sinh); trẻ có kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại, biết tìm kiếm sự trợ giúp khi đối diện với những tình huống gây hại.

Tóm lại, việc tổ chức hoạt động giáo dục giới tính cho trẻ RLPT trong độ tuổi vị thành niên là cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập những hành vi mong muốn ở trẻ, giúp trẻ hòa nhập tốt hơn khi giao tiếp xã hội.
Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề đã nêu, chúng tôi đưa ra khuyến nghị: tại mỗi trung tâm, nên tổ chức những khóa học giáo dục giới tính theo độ tuổi, có thể xen kẽ các buổi học về giới tính trong lộ trình đào tạo cho nhóm lớp kỹ năng xã hội.
Tóm tắt bài viết: ThS. Lê Thị Hương Thơ
Quản lý cơ sở Ecopark Hừng Đông