Buổi học kỹ năng vừa rồi, lớp kỹ năng xã hội dành cho nhóm dự án chúng tớ cùng nhau thảo luận về một chủ đề rất “nóng” dạo gần đây, đó là bắt nạt học đường. Chúng tớ đã cùng nhau trao đổi về bắt nạt học đường là gì, các hình thức bắt nạt học đường và các cách xử lý khi gặp bắt nạt học đường.
Và trong cả buổi học, tớ ấn tượng nhất với câu hỏi “Khi chúng ta bị bắt nạt học đường, chúng ta có nên im lặng hay không?”. Các bạn trong lớp dự án đã rất hào hứng để tham gia trao đổi với giáo viên trong câu hỏi này.
Các học viên đã đưa ra rất nhiều lý do cho rằng nếu bản thân mình rơi vào bắt nạt học đường thì các bạn sẽ chọn cách im lặng bởi 1 số lý do:
- Nếu mình lên tiếng mình sẽ bị trả thù
- Các bạn khác sẽ tẩy chay không chơi cùng mình
- Mình không được lựa chọn cho các hoạt động sau đó
- Dù có nói ra cũng không được thầy cô hay bố mẹ thể giải quyết
- Một số cho rằng tôi không biết cách làm thế nào với tình huống đó
Một số bạn khác đưa ra cách ứng phó khác như là phản ứng lại với hành vi bắt nạt bằng bắt nạt. Nhưng các bạn cũng đã đưa ra được rằng không nên lạm dụng cách này vì có thể bản thân mình cũng sẽ trở thành kẻ bắt nạt. Và hơn nữa, trong tình huống ẩu đả, mình có thể bị thương nặng hoặc gây thương tích cho người khác.
Một cách phản ứng phù hợp đó là tránh xa kẻ bắt nạt và thông báo đến những người có thể giúp đỡ mình thoát khỏi rắc rối, hay có thể lập các nhóm bạn chơi chung để tránh trở thành đối tượng của những kẻ bắt nạt.

(ảnh internet)
Vì một số lý do đó các học viên lựa chọn nếu bị bắt nạt ở trường sẽ im lặng bởi: để cho yên và có thể sẽ không bị nữa và không rắc rối thêm. Song, các bạn cũng chỉ ra rằng im lặng không phải là một cách giải quyết vấn đề tốt. Bởi vì khi bản thân mình không làm gì, kẻ bắt nạt sẽ coi như đó là việc chúng ta ngầm đồng ý cho việc bắt nạt đó. Im lặng là một cách né tránh không hiệu quả đối với những hành vi bắt nạt. Và như vậy thì mình cũng sẽ bị bắt nạt mãi, những vết thương từ cơ thể đến tinh thần cũng sẽ tích trữ, chất chồng lên nhau, như quả bong bóng bị thổi căng. Có thể, đến khi quả bóng quá sức sẽ gây những hệ lụy tiêu cực.

(ảnh internet)
Tìm hiểu về một số nguồn lực các bạn có thể nhận được khi bị bắt nạt học đường? Học viên cho rằng có các nơi có thể hỗ trợ bao gồm: cha mẹ và thầy cô.
Thông qua buổi học, giảng viên cung cấp thêm các nguồn hỗ trợ khác như bạn bè, nhà tâm lý trong trường học và các đường dây nóng hỗ trợ trẻ em.
Sau buổi học ngày hôm nay, chúng tớ đã biết được thêm những nguồn lực hỗ trợ khác đáng tin cậy có thể giúp đỡ chúng tớ nếu như rơi vào bắt nạt học đường. Và chúng tớ cũng hiểu rằng, việc im lặng khi là nạn nhân của bắt nạt học đường là đang ngầm đồng ý cho những kẻ bắt nạt tiếp tục thực hiện những hành vi sai trái. Và như vậy, chúng tớ cũng sẽ không thể thoát khỏi việc mình bị bắt nạt. Chúng tớ sẽ lên tiếng, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà chúng tớ tin tưởng để chấm dứt bắt nạt học đường.
Tác giả: Lê Thị Hải
Giáo viên lớp kỹ năng xã hội tại trung tâm Hừng Đông