Hiện nay, cùng với
sự tăng nhanh về số lượng trẻ rối loạn phát triển nói chung và trẻ tự kỉ nói
riêng, nhu cầu về can thiệp sớm ngày càng cao, kéo theo đó là cuộc chạy đua về
số lượng các trung tâm/cơ sở can thiệp được thành lập và mở ra. Tuy nhiên, số
lượng và chất lượng hoạt động không song hành với nhau, bên cạnh những cơ
sở/trung tâm can thiệp với chất lượng giáo dục tốt, còn có những cơ sở hoạt
động đại trà, chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn. Các chương trình
và mô hình can thiệp chưa được áp dụng phù hợp với vấn đề của trẻ.
Nhiều trung tâm
hoạt động và tồn tại dưới hình thức thương mại và kinh doanh giáo dục nhiều
hơn. Vì vậy, chất lượng can thiệp, giáo dục và sự tiến bộ của trẻ chưa được đảm
bảo, khiến cho nhiều trẻ bị bỏ lỡ “giai đoạn vàng”, lãng phí về thời gian và
tài chính của gia đình. Việc lựa chọn cơ sở can thiệp sớm cho trẻ sẽ đảm bảo
cho trẻ sớm hòa nhập, đem lại hiệu quả can thiệp sớm tốt nhất, nhanh nhất, đảm
bảo cho trẻ có sự phát triển đồng bộ, toàn diện nhất.
Để lựa chọn một cơ
sở can thiệp phù hợp, chất lượng và hiệu quả với trẻ, phụ huynh cần có những
kiến thức, thông tin về chương trình can thiệp, chất lượng dịch vụ và hoạt động
của một trung tâm. Từ đó phụ huynh có thể yên tâm trong lựa chọn và gửi gắm trẻ
trong các môi trường can thiệp.
Trung tâm chuyên
biệt là gì?
Trung tâm chuyên
biệt là trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt dành cho trẻ có các rối loạn phát
triển trong đó có rối loạn phổ tự kỉ. Độ tuổi thường được can thiệp sớm là dưới
6 tuổi, trong đó độ tuổi “vàng” – tức là thời điểm lý tưởng và hiệu quả để can
thiệp là dưới 3 tuổi. Tại đây, trẻ được can thiệp, rèn luyện, uốn nắn, học tập,
vui chơi và hoà nhập với cùng những trẻ có nhu cầu đặc biệt khác, dưới nhiều
hình thức khác nhau: can thiệp nhóm, cá nhân… Chương trình can thiệp cho mỗi
trẻ được xây dựng để phù hợp với vấn đề và khả năng của từng trẻ, và được theo
dõi, đánh giá chi tiết sự tiến bộ của trẻ. Hoạt động can thiệp tại trung tâm
thường đặt dưới sự giám sát của các quản lý chuyên môn có kinh nghiệm và trình
độ.
Tính ưu việt của
trung tâm chuyên biệt so với các hình thức khác?
Nhiều phụ huynh đã
phản hồi tích cực về hiệu quả khi cho trẻ đến trung tâm học tập. Bởi lẽ, ở đây
trẻ được học tập cả ngày, có sự hỗ trợ can thiệp tích cực, kịp thời từ giáo
viên trong quản lý hành vi, cảm xúc. Bên cạnh những bài học về nhận thức, kỹ
năng xã hội, trẻ còn có được những quy tắc ứng xử, thói quen phù hợp trong sinh
hoạt cá nhân hàng ngày. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng được trung tâm đáp ứng
một cách phù hợp, khoa học hướng đến chất lượng về sức khỏe để học tập hiệu
quả.
Các trung tâm can
thiệp sớm cũng là môi trường lý tưởng giúp trẻ tương tác giao tiếp với những
bạn khác có cùng mức độ về những lĩnh vực phát triển, giúp thúc đẩy sự phát
triển trong nhận thức, giao tiếp, những kỹ năng xã hội mà trẻ đang còn hạn chế.
Sự tiến bộ của trẻ được giáo viên tại trung tâm theo dõi sát sao theo từng buổi
học, thông qua sổ liên lạc giữa trung tâm và nhà trường – là phương tiện để
thông tin qua lại, đồng hành và kết nối thông tin giữa phụ huynh và giáo viên.
Thông qua những thông tin được trao đổi, phụ huynh có thể hỗ trợ thêm khi ở
nhà, từ đó có sự thống nhất và đồng bộ trong kế hoạch can thiệp tích cực cho
trẻ.
Lựa chọn can thiệp
tại trung tâm là những ưu tiên hàng đầu với nhiều phụ huynh hiện nay. Phụ huynh
có thể yên tâm, gửi gắm trẻ và tiếp tục công việc để đảm bảo nguồn thu nhập để
đồng hành cùng con ở thời điểm hiện tại và trong những giai đoạn phát triển
tiếp theo.
Các tiêu chí lựa
chọn trung tâm can thiệp cho con có rối loạn phổ tự kỉ?
Trước hết, phụ
huynh cần hiểu rõ hơn về vấn đề trẻ đang gặp phải, hiểu về những đặc điểm sở
thích, tính cách của trẻ. Tiếp theo, phụ huynh cần tìm hiểu các dịch vụ sẵn có
trên địa bàn mình sinh sống và khả năng tham gia can thiệp/học tập lâu dài tại
trung tâm. Dưới đây là một số gợi ý để phụ huynh tham khảo khi lựa chọn trung
tâm:
Tiêu chí 1 - Tính pháp lý:
Một trung tâm uy
tín cần có những yêu cầu về pháp lý, đầy đủ giấy phép hoạt động hợp pháp trực
thuộc các sở ban ngành có liên quan, các hiệp hội khoa học và nghề nghiệp có
chức năng mở và quản lý hoạt động của trung tâm.
Tiêu chí 2 - Trình độ kinh nghiệm của
cán bộ
Đây là khía cạnh
khá quan trọng quyết định chất lượng giáo dục và tính hiệu quả khi can thiệp
cho trẻ. Vì thế, cần xem xét về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của những
người lãnh đạo trung tâm. Người lãnh đạo nên có trình độ chuyên môn sâu từ thạc
sỹ trở lên, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, tâm lý.
Giáo viên can thiệp
ở trung tâm luôn đảm bảo những yêu cầu về chuyên môn, tốt nghiệp các ngành liên
quan như tâm lý, giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội… và được đào tạo
thêm trước khi làm độc lập. Giáo viên cần luôn được cập nhật và tập huấn định
kỳ về những phương pháp can thiệp trẻ.
Ngoài ra, trung tâm
nên có sự hỗ trợ, cố vấn chuyên môn về các lĩnh vực. Có sự giám sát, định hướng
trong những phương pháp hỗ trợ giáo dục trẻ tại trung tâm.
Tiêu chí 3 - Chương trình và tiếp cận
can thiệp:
Chương trình và tiếp cận can thiệp là một trong những yếu tố cần
thiết, đòi hỏi phải phù hợp, rõ ràng với trẻ tự kỉ. Mỗi trẻ tự kỉ cần có một
chương trình can thiệp riêng, được thiết kế dựa trên các phương pháp thực chứng
phù hợp. Làm được như vậy sẽ giúp giai đoạn can thiệp cho trẻ được rút ngắn hơn
và có tính hiệu quả cao hơn. Hiện nay, có nhiều chương trình có bằng chứng khoa
học tốt đang được sử dụng trong can thiệp trẻ tự kỉ phải kể đến đó là mô hình
can thiệp sớm EI/EIBI, ESDM, JASPER, DTT, PRT,…
Tiêu chí 4 - Thái độ và đạo đức của
cán bộ quản lý, cán bộ can thiệp
Trung tâm cần có
môi trường thân thiện thoải mái, yêu thương và có mối quan hệ vui vẻ, thân
thiện với trẻ và với gia đình trẻ. Luôn đặt trách nhiệm và sự thấu cảm, yêu mến
trẻ lên hàng đầu để giúp trẻ cảm thấy hứng thú, vui vẻ hơn khi đến trung tâm,
đồng thời nâng cao tinh thần thoải và chất lượng học tập hiệu quả.
Đạo đức nghề nghiệp
luôn được giáo viên đề cao trong giáo dục. Trung tâm cần nói không với việc lạm
dụng phụ huynh và trẻ, nói không với việc chỉ trích và nói xấu đồng nghiệp, nói
không với xâm hại và bạo hành trẻ. Trung tâm cần đặt quyền lợi của trẻ và gia
đình lên trên hết.
Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất:
Rất lý
tưởng khi trung tâm có một không gian vui chơi, học tập cho trẻ thoáng mát,
được sắp xếp và trang trí đẹp mắt, khiến trẻ cảm thấy hứng thú hơn khi đến
trung tâm. Cơ sở vật chất đầy đủ giúp trẻ có nhiều phương tiện học tập, đồ
dùng, giáo cụ đa dạng, cải thiện tốt các lĩnh vực phát triển: vận động, ngôn
ngữ, nhận thức..của trẻ. Ngoài ra, trung tâm cần có đảm bảo an toàn với trẻ,
đảm bảo tối ưu về sức khỏe và thân thể của trẻ.
Tiêu chí 6 - Vị trí của trung tâm:
Trung tâm thuận tiện cho di chuyển của phụ huynh, tránh những nơi có nguy cơ về
giao thông gây mất an toàn cho trẻ. Trung tâm có gần nhà hoặc nơi làm việc, có
bãi đỗ xe thuận lợi cũng là một lựa chọn lý tưởng.
Tiêu chí 7 - Kinh phí:
Hoàn cảnh và
mức thu nhập của phụ huynh không giống nhau và việc can thiệp cho con cầu lâu
dài. Vì thế, phụ huynh nên cân nhắc lựa chọn trung tâm có chi phí phù hợp với
điều kiện.
Tiêu chí 8 - Chế độ dinh dưỡng và
chăm sóc cho trẻ:
Đây cũng là một trong những tiêu chí cần thiết và quan tâm.
Trung tâm cần có những chế độ dinh dưỡng phù hợp đảm bảo vệ sinh, an toàn sức
khỏe của trẻ.
Tiêu chí 9 - Các hoạt động hỗ trợ:
Trung tâm có những chính sách hỗ trợ trẻ, các chương trình đào tạo tập huấn cho
phụ huynh, hoạt động vui chơi, học tập cho trẻ. Trung tâm có hỗ trợ tốt hơn khi
có nhiều kết nối với các tổ chức bên ngoài nhằm giúp trẻ hưởng lợi tối đa từ
chính sách, dự án và từ thiện.
Thực tế không phải
trung tâm nào cũng đạt được đầy đủ những tiêu chí đề cập ở trên. Mỗi trẻ sẽ cần
ưu tiên những tiêu chí này hơn tiêu chí kia (ví dụ chất lượng và chương trình
can thiệp hơn là cơ sở vật chất hay chế độ hỗ trợ…). Phụ huynh nên tham khảo ý
kiến của nhiều nguồn trước khi đưa ra quyết định. Việc lựa chọn trung tâm không
nên quá gấp gáp nhưng không nên trì hoãn vì thời gian có thể can thiệp tích cực
cho trẻ không kéo dài.
Tác giả: PGS.TS.
Trần Văn Công – HVCH. Hoàng Quốc Lân
Trường Đại học Giáo
dục, ĐHQGHN (B20/22)
Bài viết được đăng trên website: https://www.facebook.com/chongchongsacmau