Tóm tắt nội dung phần 4.3. Một số phương pháp can thiệp và giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ phổ biến
4.3. Hướng dẫn sử dụng một số phương pháp can thiệp và giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ phổ biến
Trong phần này gồm có 6 phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ là:
- Phân tích hành vi ứng dụng ABA
- Trị liệu và giáo dục cho trẻ tự kỉ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (TEACCH)
- Can thiệp trên sự phát triển- sự khác biệt cá nhân và các mối quan hệ (DIR- Floortime)
- Trị liệu cảm giác
- Dùng thuốc trong can thiệp - y dược
- Âm nhạc trị liệu
Cùng tìm hiểu sâu hơn về từng phương pháp ở dưới đây:
1. Phân tích hành vi ứng dụng (ABA)
1.1 Giới thiệu về phân tích hành vi ứng dụng (ABA)
1.1.1. Khái niệm
Là phương pháp phân tích mối quan hệ giữa hành vi với môi trường nhằm tìm ra các cách thức, chiến lược để thay đổi hành vi theo hướng tích cực, có ý nghĩa cho người được can thiệp.
ABA diễn ra dựa vào 3 yếu tố: Yếu tố tiền đề, hành vi và yếu tố kết quả.
A-> B->C
A: Yếu tố tiền đề (khởi phát hành vi và động lực)
B: Hành vi
C: Yếu tố kết quả (làm hành vi sẽ lặp lại trong tương lai-phần thưởng và làm hành vi giảm bớt trong tương lai-hình phạt).
1.1.2. Mục tiêu
ABA nhằm tới việc dạy trẻ kĩ năng mới, giúp trẻ sử dụng thường xuyên các kỹ năng phù hợp để chơi, học, tự chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động xã hội cũng như giúp trẻ giảm các hành vi không phù hợp.
1.1.3. Các kỹ thuật dạy trẻ kỹ năng mới trong ABA
Chỉnh hướng hành vi-shaping:
Là quá trình củng cố sự phân cấp của các mức độ thành công liên tiếp của kỹ năng cần dạy cho đến khi kỹ năng đó đạt mục tiêu đặt ra (Miltenberger,2011).
Củng cố phân cấp là phương pháp kết hợp giữa củng cố hành vi tốt hơn và ngừng củng cố với các hành vi kém hơn.
Kỹ thuật này được sử dụng trong nhiều can thiệp khác.
Gợi nhắc và giảm dần gợi nhắc (Prompts and Prompt Fading):
- Gợi nhắc là hỗ trợ để trẻ hiểu yêu cầu của bài tập và thực hiện được bài tập đó.
- Có nhiều cách gợi nhắc khác nhau như: gợi nhắc thể chất, làm mẫu, hỗ trợ hình ảnh, gợi nhắc bằng ngôn ngữ, gợi nhắc bằng cử chỉ điệu bộ, gợi nhắc bằng gợi ý trong môi trường.
- Mỗi trẻ và mỗi nội dung dạy cần một gợi nhắc khác nhau, cần chọn cách gợi nhắc tối thiểu mà vẫn giúp trẻ thành công.
- Giảm gợi nhắc là giảm dần sự hỗ trợ để trẻ có thể tự thực hiện được bài tập đề ra. Có nhiều cách giảm dần gợi nhắc khác nhau.
Dạy chuỗi hành vi (Chaining)
- Là kỹ thuật dạy trẻ từng bước bẻ ra từ nhiệm vụ mục tiêu theo trật tự từ đầu đến cuối hoặc ngược lại và dạy trẻ kết nối chuỗi các bước đó với nhau.
- Kỹ thuật bao gồm chuỗi tiến, chuỗi lùi và toàn chuỗi.
- Chuỗi tiến và chuỗi lùi đều được sử dụng để dạy các kỹ năng phức hợp có nhiều bước, cần phân tích nhiệm vụ để chia tách chuỗi hành vi thành từng bước cụ thể, chỉ dạy mỗi bước ở một thời điểm chỉ khi trẻ đã học được bước đó thì mới chuyển sang bước kế tiếp, sử dụng các kỹ thuật gợi nhắc và giảm gợi nhắc để dạy ở từng bước.
- Ở chuỗi tiến thì người can thiệp bắt đầu dạy từ bước đầu tiên, còn chuỗi lùi người can thiệp bắt đầu dạy từ bước cuối cùng.
- Với chuỗi tiến và chuỗi lùi thì dạy từng bước một, còn dạy toàn chuỗi thì dạy cùng một lúc tất cả các bước trong chuỗi Miltenberger (2011)
1.2. Một số phương pháp can thiệp được phát triển dựa trên nề tảng ABA
Hành vi ngôn ngữ (Verbal Behavior - VB)
Gồm có 4 hành vi chủ yếu:
- Kỹ năng yêu cầu (Mand)
- Kỹ năng gọi tên và bình luận (Tact)
- Kỹ năng bắt chước ngôn ngữ (Echoic)
- Kỹ năng hội thoại (Intraverbal) và kỹ thuật để giúp trẻ mở rộng chức năng ngôn ngữ.
Can thiệp hành vi tạo đà (Pivitol Response Treatment – PRT)
- Là hành vi mà khi trẻ học được sẽ tạo ra những thay đổi tương ứng tới các hành vi khác mà trẻ chưa được dạy (Cooper, Heron và Heward,2007).
- Các lĩnh vực trong PRT là can thiệp điều chỉnh động lực của trẻ, can thiệp về khả năng khởi xướng, can thiệp về khả năng tự quản lý bản thân, can thiệp hồi đáp với nhiều gợi ý của môi trường.
- Về cách thực hiện, PRT cũng dựa trên các nguyên lý của can thiệp tự nhiên gồm môi trường can thiệp, người can thiệp, mục tiêu can thiệp cụ thể.
Mô hình can thiệp sớm (Early Start Denver Model Denver – ESDM)
- Là mô hình can thiệp được xây dựng trên nần tảng của mô hình Denver, được phát triển bởi tiến sĩ Rogers và đồng nghiệp; mô hình sự phát triển tương tác ở rối loạn phổ tự kỷ; mô hình của tiến sĩ Dawson về rối loạn phổ tự kỷ ở khía cạnh rối loạn về động lực xã hội (disorder of social motivation); mô hình PRT; tiếp cận của ABA về các kỹ thuật dạy (Rogers và Dawson,2010).
Can thiệp chú ý chung – chơi biểu tượng – sự tham gia và điều chỉnh – JASPER
- Phương pháp này tập trung vào kỹ năng chơi để giúp trẻ có cách thao tác phù hợp với đồ vật (chơi đúng chức năng) và giảm các hành vi định hình, nhờ hoạt động chơi mà có thể khích lệ sự tham gia của trẻ.
Tóm lại, được phát triển trên nền tảng của ABA, kết hợp với các nghiên cứu về sự phát triển thông thường của trẻ và mở rộng bối cảnh can thiệp ra môi trường tự nhiên, các phương pháp như VB, PRT, JASPER và ESDM đều đã chứng minh được hiệu quả trên trẻ em rối loạn phổ tự kỷ. Điểm chung của các phương pháp này là can thiệp tích cực ở nhiều môi trường, từ trung tâm can thiệp, trường hòa nhập, cũng như tại gia đình. Các phương pháp đều đánh giá cao vai trò của bố mẹ và hướng dẫn bố mẹ trực tiếp can thiệp cho trẻ.
2. Trị liệu và giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (Treatment and Education of Autistic and Related Communi- cation- Handicapped Children – TEACCH)
2.1. Giới thiệu chung về TEACCH
- TEACCH là một trong những phương pháp giáo dục trẻ rối loạn phát triển phổ tự kỷ phổ biến, uy tín nhất hiện nay. Có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về phương pháp này trên các website bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
- TEACCH được tiếp cận ở hai phương diện chính, phương diện thứ nhất là chương trình can thiệp cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, và phương diện thứ hai là phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
2.2. Các nguyên tắc của TEACCH
- Cải thiện sự thích ứng bằng dạy học có ý nghĩa và điều chỉnh môi trường
- Cấu trúc hóa hoạt động dạy học
- Trị liệu nhận thức và hành vi được diễn ra song song
- Chương trình can thiệp được cá nhân hóa
- Phát triển tiềm năng
- Duy trì sự tham gia của cha mẹ
2.3. Các ứng dụng của TEACCH
- Bản chất của phương pháp TEACCH là quá trình dạy học có cấu trúc. Dạy có cấu trúc được hiểu là cách thức thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học theo khuôn khổ, trình tự logic và ổn định.

2.4. Đánh giá các yếu tố cơ bản của lớp học theo phương pháp TEACCH
- Với những ứng dụng ở trên của TEACCH, phương pháp có thể tạo nên nhiều khía cạnh quan trọng của lớp học dành cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ. Trên thực tế, lớp học của bạn có thể đã phần nào đáp ứng các khía cạnh đó.Tuy nhiên để việc áp dụng được thực hiện một cách có hệ thống chúng ta nên tiến hành những đánh giá cần thiết.
- Bảng đánh giá với câu hỏi có/ không (Nguồn Division TEACCH) các giáo viên có thể tham khảo để tìm ra những vấn đề còn tồn tại. Bảng đánh giá có thể dựa vào một số lĩnh vực như môi trường vật chất lớp học, lịch biểu bằng hình ảnh, cấu trúc nhiệm vụ hoạt động, giao tiếp trong lớp học,... (T250-254).
2.5. Góc cá nhân (workstation) trong can thiệp theo phương pháp TEACCH
- Vai trò sử dụng của góc học tập cá nhân bao gồm: Nơi khuyến khích kỹ năng làm việc về độc lập, nơi trẻ có thời gian tự học, luyện viết, luyện tính, phát triển những thói quen tự phục vụ hàng ngày,...
- Mô hình góc học tập cá nhân hướng đến việc hỗ trợ khắc phục những khó khăn của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Mô hình góc học tập cá nhân
(Nguồn: Trung tâm giáo dục đặc biệt Khánh Tâm)
- Mô hình góc học tập được xây dựng trên những ứng dụng của TEACCH. Giáo viên làm nhiệm vụ giám sát trẻ tại góc cá nhân để hướng dẫn lại, gợi nhắc, sửa lỗi sai và khen ngợi thành công.
2.6. TEACCH và những vấn đề bàn luận
Có khác nhiều vấn đề cần bàn luận như:
+ Giảm dần tính cấu trúc trong lớp học TEACCH.
+ Tự khởi xướng khác với tuân theo: Cái nào đưa trẻ em rối loạn phổ tự kỷ tiến xa hơn?
+ “Văn hóa tự kỷ” như thế nào trong TEACCH?
+ TEACCH và việc phát huy giao tiếp bằng lời.
+ TEACCh và cơ hội học qua bắt chước.
Với các vấn đề trên thì đã có những phân tích rõ ràng.
3. Trị liệu dựa trên sự phát triển - sự khác biệt cá nhân và các mối quan hệ khác (Developmental Individual - Difference, Relationship Interview- tion-DIR/Floortime)
3.1 Giới thiệu DIR/Floortime
- Là một cách tiếp cận thông qua trò chơi để nâng bậc phát triển của trẻ, Floortime tuy không có chứng cứ khoa học mạnh nhưng rất hữu ích cho việc thiết lập mối quan hệ với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt là trẻ nhỏ.
3.2. Thời gian trên sàn – Floortime là gì?
- Là một khoảng thời gian chơi đặc biệt mà cha mẹ dành ra ở bên trẻ. Trong khoảng thời gian này, chơi là một hoạt động tự nhiên, không đặt ra một khuôn khổ chặt chẽ khi đó bạn cùng chơi với trẻ trên sàn nhà và bạn nương theo hướng chơi của trẻ.
3.3. Tại sao sử dụng Thời gian trên sàn – Floortime?
- Đây là thời gian mà người chăm sóc, nói chung là cha mẹ hay nhà trị liệu tham gia vào cách hoạt động của trẻ và nương theo hướng chơi của trẻ. Ở mức tốt nhất, sự chơi đùa như thế này sẽ không tạo ra các hành động máy móc, rập khuôn và sự phản ứng.
- Bắt đầu bằng sự gặp gỡ có qua lại và chia sẻ, cha mẹ trợ giúp để trẻ ngày càng gia tăng các tương tác phức tạp hơn, một quá trình được gọi là “mở đóng các vòng tròn giao tiếp”.
3.4. Những chuẩn bị cho thực hiện Thời gian trên sàn Floortime.
- Kỹ năng chơi cùng trẻ
- Kỹ năng quan sát
- Kỹ năng mô tả điều trẻ đang giao tiếp, đặc biệt là cảm xúc
- Kỹ năng giúp trẻ sử dụng trí tưởng tượng của trẻ một cách chủ động
- Kỹ năng giúp trẻ chi tiết hóa trên chủ đề chơi của trẻ
3.5. Thực hiện các mục tiêu can thiệp theo Floortime
- Khuyến khích sự chú ý và thân mật
- Giao tiếp hai chiều
- Khuyến khích biểu lộ và sử dụng cảm xúc và ý
- Giúp trẻ kết nối những ý tưởng và cảm xúc
4. Trị liệu cảm giác
4.1. Những vấn đề cảm giác thường gặp ở trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.
- Về cơ bản, tất cả giác quan của trẻ em rối loại phổ tự kỷ đều có thể bị rối loạn.
- Các loại cảm giác: Xúc giác, thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, cảm nhận bản thể, cảm giác tiền đình.
- Một số biểu hiện như sợ khi động chạm bất ngờ, giữ thăng bằng kém, sợ đám đông, chịu đau rất tốt, .....
4.2. Một số dụng cụ và thiết bị hỗ trợ, cách hỗ trợ, một số bài gợi ý bài tập trị liệu cảm giác với trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.
Ví dụ: Trẻ có rối loạn về thính giác. Khó chịu khi nghe tiếng máy khoan, máy hút mùi,..
- Chuẩn bị dụng cụ: vận dụng che tai/ máy nghe nhạc/ kẹo
- Trẻ hét lên khi nghe thấy âm thanh gây khó chịu. Khuyến khích trẻ che tai bằng vận dụng che tai hoặc sử dụng máy nghe nhạc. Nếu không tránh được hãy cho trẻ kẹo để nhai, mút làm xao nhãng sự tập trung vào tiếng ồn đó.
Trên đây là một gợi ý bài trị liệu cảm giác
5. Dùng thuốc trong can thiệp – y dược cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ
Vai trò:
- Làm giảm hành vi với những hành vi cản trở nhằm để cho cá nhân đó có thể theo được các can thiếp về giáo dục và tâm lý xã hội tốt hơn.
Khám và kê đơn thuốc trong can thiệp - y dược:
- Chỉ định thuốc hướng thần thuộc chuyên khoa sâu thì bác sĩ cần được đào tạo, giám sát bài bản và có kinh nghiệm thực hành.
Những lưu ý khi dùng thuốc:
+ Điều trị thuốc phối hợp với can thiệp hành vi và can thiệp giáo dục
+ Lợi ích và tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc
+ Nhà tâm lí và giáo viên phải phối hợp với thầy thuốc.
+ Không có “viên đạn phép màu” đối với các triệu chứng chính của rối loạn phát triển.
6. Trị liệu âm nhạc
6.1. Tác dụng của trị liệu âm nhạc
- Giúp trẻ tăng khả năng tương tác
- Giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp
- Giúp cải thiện hành vi
6.2. Phương pháp tổ chức hoạt động trị liệu âm nhạc cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ
- Hoạt động nghe nhạc
- Hoạt động ca hát
- Hoạt động trò chơi và vận động theo nhạc
- Hoạt động sử dụng nhạc cụ đơn giản.
Bài viết được tóm tắt từ sách Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nữ Tâm An, Hoàng Văn Tiến, Trần Văn Công, Hồ Thị Huyền Thương, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Lệ Quyên, Phan Thiệu Xuân Giang (2019), Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam (Tài liệu dành cho cán bộ và kỹ thuật viên can thiệp), Nhà xuất bản ĐHQGHN. ISBN: 978-604-968-134-9
Người tóm tắt cô Nghiêm Thị Quỳnh, Cán bộ trị liệu Trung tâm Hừng Đông