Phần 3 mục 2 Quy trình xây dựng, thực hiện và giám sát chương trình can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Ngày 12-8-2021
Đánh giá trong giáo dục đặc biệt là một quá trình tập hợp thông tin thích hợp về mặt giáo dục một cách có hệ thống đối với trẻ khuyết tật nhằm đưa ra các quyết định về mặt giáo dục.

Phần 3 mục 2. Quy trình xây dựng, thực hiện và giám sát chương trình can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

2.1. Đánh giá, xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

2.1.1. Khái niệm và phân loại đánh giá

Đánh giá trong giáo dục đặc biệt là một quá trình tập hợp thông tin thích hợp về mặt giáo dục một cách có hệ thống đối với trẻ khuyết tật nhằm đưa ra các quyết định về mặt giáo dục.

Đánh giá trẻ RLPTK nói chung gồm 5 mục đích chính tương đương với các loại đánh giá gồm:

 Sàng lọc phát hiện nguy cơ RLPTK

Chẩn đoán xác định RLPTK và mức độ

- Xây dựng chương trình can thiệp

- Đánh giá chương trình và sự tiến bộ của trẻ

Đánh giá chuyển tiếp

Căn cứ vào hình thức đánh giá, có hai hình thức đánh giá:

- Đánh giá chính thức: Là những thủ tục được cấu trúc chặt chẽ, với những hướng dẫn cụ thể về mặt hành chính, chấm điểm và giải thích kết quả.

- Đánh giá không chính thức: Được áp dụng trong đánh giá giáo dục qua quan sát hoặc kiểm tra, thường do giáo viên soạn ra.

2.1.2. Phương pháp đánh giá xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

·         Quan sát:

Giáo viên quan sát trẻ em RLPTK trong môi trường mà hành vi xảy ra một cách tự nhiên.

Quá trình quan sát: Trước khi quan sát cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ, lý do quan sát. Trong khi quan sát: Theo dõi và ghi chép, chụp ảnh/lưu lại trong đầu. Sau đó sử dụng để hoàn tất thông tin theo mục đích và phân tích .

Hình thức quan sát: Quan sát không chủ định (ngẫu nhiên) và quan sát chủ định (tổ chức hoạt động).

Mức độ quan sát: Quan sát chủ động (người quan sát tạo ra các tình huống, tổ chức các hoạt động cho trẻ tham gia nhằm mục đích lấy được các thông tin cụ thể; quan sát bán chủ động (người quan sát chủ yếu vẫn đóng vai trò thụ động, nhưng để làm rõ các thông tin cần có người quan sát có thể tạo ra các hoạt động phụ trợ để trẻ tham gia); quan sát thụ động (người quan sát không can thiệp vào quá trình tham gia các hoạt động của trẻ mà chỉ như người ngoài cuộc thu thập các thông tin và mục tiêu đã định sẵn).

       Bảng hỏi (Phiếu thu thập thông tin):

Là công cụ bằng văn bản được thiết kế để thu thập thông tin.

Bao gồm câu hỏi được cấu trúc (có nhiều lựa chọn, có/không) và câu hỏi không được cấu trúc (câu hỏi mở).

       Phỏng vấn:

Trao đổi (trực tiếp hoặc gián tiếp) với người phỏng vấn nhằm thu thập thông tin về sự phát triển của trẻ từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại.

 Các bước phỏng vấn:

Chuẩn bị: Xác định mục đích, nội dung, phương tiện

Quá trình: Chủ động, khuyến khích tạo sự hợp tác

Kết thúc: Tóm tắt, phân tích, duy trì liên hệ

       Trắc nghiệm:

Là dạng đo lường, đánh giá được biết tới nhiều nhất và là một phần công việc của nhà trường

Các trắc nghiệm được tiêu chuẩn hóa, sự thể hiện của trẻ được đối chiếu với sự thể hiện của nhóm tiêu chuẩn

Đảm bảo trẻ tham gia đầy đủ và tích cực

       Nghiên cứu sản phẩm hoạt động:

Nghiên cứu sản phẩm là thông qua quan sát, thu lại một mẫu bài tập

Phân tích nhằm quyết định khía cạnh thành công trong khả năng tiếp nhận của trẻ

       Nghiên cứu hồ sơ:

Hồ sơ: Tập hợp các văn bản về: lịch sử khám chữa bệnh, ghi chép thông tin về trẻ và những người liên quan, kế hoạch giáo dục cá nhân

Thu thập thông tin chi tiết, tiết kiệm thời gian, công sức, tận dụng được kết quả đánh giá của các nhà chuyên môn khác

2.1.3. Công cụ đánh giá xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

a, Thang đánh giá tiền sử tâm lý giáo dục – bản chỉnh lý (PEP-R)

Là một bảng liệt kê tóm tắt những hành vi và kỹ năng theo thiết kế để nhận biết những mẫu hình học tập thay đổi và do khí chất.

Phù hợp nhất cho trẻ 6 tháng đến 7 tuổi.

Các lĩnh vực:

-          Thang đo nhận thức: Với 131 items: Bắt chước, tri giác, vận động tinh, vận động thô, sự phối hợp tay mắt, nhận thức, ngôn ngữ.

-          Thang đo hành vi: Với 42 items: Quan hệ và cảm xúc, chơi và quan tâm đến vật liệu, phản xạ cảm giác, ngôn ngữ.

b, Thang đo trí tuệ Wechsler dành cho trẻ em

Ấn bản WISC-IV là công cụ trắc nghiệm cá nhân được thiết kế nhằm đánh giá khả năng nhận thức và quá trình giải quyết vấn đề của trẻ từ 6 – 16 tuổi.

Đưa ra đánh giá toàn diện chức năng nhận thức.

Một phần của đánh giá tổng thể nhận diện năng khiếu/khuyết tật trí tuệ.

Sử dụng để định hướng quá trình lập kế hoạch can thiệp, quyết định về việc xếp lớp hoặc can thiệp lâm sàng; cung cấp thông tin lâm sàng cho đánh giá tâm lý, nghiên cứu.

WISC-IV-VN: Chỉ thích ứng 10 tiểu trắc nghiệm chính.

10 tiểu trắc nghiệm chính, 5 tiểu trắc nghiệm phụ.

 Xác định điểm yếu, điểm mạnh của trẻ về mặt tư duy từ đó xác định mục tiêu, định hướng can thiệp phù hợp.

Các thành phần trí tuệ trong thang đo: Chỉ số hiểu lời nói, chỉ số tư duy tri giác, chỉ số trí nhớ làm việc, chỉ số tốc độ xử lý.

c,  Thang đo hành vi thích ứng sử dụng trong trường học (School – ABS – S:2)

Là công cụ đánh giá hành vi thích ứng và phát hiện các lĩnh vực thích ứng cần thiết được hỗ trợ bằng giáo dục đặc biệt.

Hỗ trợ chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ và xây dựng kế hoạch cá nhân cho trẻ.

Bao gồm 2 phần:

-           Phần 1: Tính độc lập cá nhân: Hoạt động học tập, phát triển thể chất, hoạt động kinh tế, phát triển ngôn ngữ, số và thời gian, hướng nghiệp/tiền hướng nghiệp, tự điều khiển, trách nhiệm, xã hội hóa.

-          Phần 2: Các hành vi xã hội: Ứng xử, tuân lệnh, sự tin cậy, hành vi rập khuôn và hiếu động, hành vi tự lạm dụng, liên kết xã hội, hành vi quấy rối liên cá nhân.

d, Bảng đánh giá trong mô hình can thiệp sớm DENVER

Là mô hình can thiệp sớm thực chứng cho trẻ tự kỷ.

            Cách tiếp cận: Trải nghiệm thông qua chơi kết hợp với hướng tiếp cận theo hành vi và phát triển.

Sử dụng cho trẻ từ 12 tháng đến 60 tháng.

            Bao gồm tất cả các lĩnh vực: Giao tiếp tiếp nhận, giao tiếp biểu đạt, kỹ năng xã hội,  bắt chước, nhận thức, chơi, vận động tinh, vận động thô, hành vi, tự phục vụ.

Cách thức giảng dạy của ESDM được đưa vào mọi môi trường tự nhiên của trẻ nhỏ, tập trung vào tương tác tích cực đem đến rất nhiều sự củng cố.

Gồm bốn mức độ: Từ 1 đến 4.

2.1.4. Nội dung đánh giá, xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

a, Đánh giá thể chất – vận động – giác quan: Sức khỏe của trẻ, giác quan, vận động thô, vận động tinh.

b, Đánh giá kỹ năng bắt chước : Bắt chước vận động thô, vận động tinh; bắt chước các vận động của cơ quan phát âm, bắt chước về ngôn ngữ.

c, Đánh giá ngôn ngữ và giao tiếp : Ngôn ngữ hiểu (tiếp nhận) và ngôn ngữ diễn đạt (biểu đạt), giao tiếp không lời và có lời; sử dụng các giao tiếp và mức dộ khó khăn của trẻ, đặc biệt là giao tiếp mắt.

d, Đánh giá nhận thức: Tập trung vào một số kỹ năng tri giác, so sánh, phân tích, liên tưởng, khái quát, giải quyết các tình huống, các vấn đề: ghép – phân loại, kĩ năng đếm, nhận biết số, chi tiết thiếu – thừa, các chuỗi, định nghĩa và giải thích từ .

e, Đánh giá  kỹ năng cá nhân (tự phục vụ): Đánh giá mức độ thực hiện các bước trong từng kỹ năng cụ thể (ăn, uống, rửa tay,…).

f, Đánh giá kỹ năng xã hội: Chào hỏi; tạm biệt, xin, cảm ơn; xin lỗi; khoe đồ chơi với mọi người xung quanh; chia sẻ hoặc trao đổi đồ chơi với người khác; nói được các thông tin về cá nhân, gia đình; nhận biết được các thành viên trong gia đình, lớp học; tuân theo các quy tắc trong lớp học; nhận biết các cảm xúc của mình và người khác; tham gia các trò chơi ở lớp, hiểu được cảm xúc của mình và người khác; hiểu được các hiện tượng, hoạt động trong cộng đồng và xã hội.

g, Đánh giá hành vi: Nhận diện, đưa ra biện pháp quản lý các hành vi, phổ biến như hành vi rập khuôn máy móc, xâm hại, tự xâm hại, tăng động, chống đối,…

h, Đánh giá các yếu tố khác: Sở thích/ghét, môi trường gia đình, trường học.

2.2. Xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

2.2.1.      Mối quan hệ giữa kết quả đánh giá và xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân

 2.2.2. Các cách vận dụng chương trình can thiệp vào xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ

Các chương trình sử dụng trong đánh giá và lập kế hoạch can thiệp có sự khác nhau, mỗi chương trình đều có ưu nhược điểm. Để khắc phục các hạn chế, có thể sử dụng các chương trình này theo kiểu:

Kết hợp: Chọn một chương trình đánh giá để lập kế hoạch can thiệp cá nhân, đồng thời tham khảo chương trình khác với các nội dung phù hợp với khả năng của trẻ.

Song song: Sử dụng nhiều chương trình trong đánh giá và lập kế hoạch can thiệp cho trẻ.

Nối tiếp: Tức là giai đoạn đầu khả năng học tập của trẻ còn hạn chế, ưu tiên sử dụng chương trình của chuyên biệt, khi trẻ lớn hoặc nhận thức của trẻ tốt có thể sử dụng chương trình giáo dục chung.

2.2.3.      Viết mục tiêu can thiệp SMART

Cơ sở để xây dựng mục tiêu: Dựa vào kết quả đánh giá mức độ chức năng hiện tại; xây dựng mục tiêu trong vùng phát triển gần của trẻ; xây dựng mục tiêu gắn với sở thích của trẻ; dựa vào nhu cầu, mong muốn của gia đình; các mục tiêu có đủ điều kiện thực hiện (thời gian, phương tiện, sự thống nhất).

Các loại mục tiêu can thiệp: Mục tiêu dài hạn (là những mục tiêu mà trẻ phải đạt được trong khoảng thời gian có thể là một năm, nửa năm, quý,…và ở nhiều lĩnh vực khác nhau); mục tiêu ngắn hạn (là những mô tả về các bước cần thực hiện nhằm đạt được mục tiêu dài hạn).

Viết mục tiêu thông minh (SMART):

-          Cụ thể : Viết mục tiêu cho trẻ ở các lĩnh vực khác nhau về học tập, hành vi hoặc lĩnh vực chức năng, gồm các mô tả rõ ràng về các kỹ năng được dạy và được quan sát, cách đo đạc sự tiến bộ, hướng dẫn hành vi và môi trường sẽ đo đạc sự tiến bộ và mức độ đạt được.

-          Đo đạc được: Tức là có thể đếm được hoặc quan sát được, về cơ bản là phải sử dụng con số và con số đó phải có ý nghĩa. Điều này sẽ giúp biết được sự tiến bộ của trẻ là bao nhiêu trong một khoảng thời gian nào đó.

-          Có thể đạt được: Điều tốt nhất là nên viết mục tiêu chúng ta cảm thấy trẻ có thể và sẽ đạt được với những dịch vụ và hỗ trợ. Nếu trẻ đạt được mục tiêu sớm thì nên đưa thêm mục tiêu mới để tiếp tục quá trình đã xây dựng.

-          Phù hợp: Mục tiêu cần phù hợp độ tuổi, mức độ phát triển, văn hóa gia đình,… của trẻ.

-          Giới hạn thời gian: Bắt đầu bằng việc xem xét mức độ chức năng hiện tại của trẻ, sau đó quyết định những gì trẻ cần để có thể đạt được mục tiêu sau bao thời gian. Có thể giám sát sự tiến bộ của trẻ khi thực hiện mục tiêu.

2.2.4.      Hoàn thành bản kế hoạch can thiệp cá nhân

-          Các biện pháp thực hiện kế hoạch: Phụ thuộc vào điều kiện thực hiện mà các biện pháp được đưa ra như các phương pháp/chương trình đặc trưng, cách thức tổ chức của giáo viên, sự phối hợp từ gia đình, địa điểm thực hiện.

-          Kế hoạch đánh giá kết quả can thiệp: Đưa ra cách thức đánh giá, các tiêu chí cũng như các công cụ đo lường kết quả mục tiêu đề ra trong bản kế hoạch.

-          Chữ ký: Là phần xác nhận các thành phần tham gia vào việc xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ.

2.2.5.      Họp bàn kế hoạch can thiệp cá nhân giữa các thành viên 

Một số nội dung cơ bản thường có trong  cuộc họp:

- Chia sẻ kỳ vọng.

- Xem bản đánh giá chính thức và mức độ chức năng hiện tại.

- Thống nhất mục tiêu và kế hoạch can thiệp cá nhân.

2.3.Thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân

2.3.1.      Thiết kế các hoạt động can thiệp cá nhân

Bản kế hoạch can thiệp cá nhân với các mục tiêu và định hướng can thiệp cần được cụ thể hóa thành các mục tiêu ngắn hạn và hoạt động can thiệp theo tháng/tuần.

Ví dụ:

TT

Mục tiêu ngắn hạn

Tiêu chí đánh giá

Các hoạt động

Đồ dùng

Phương pháp/biện pháp

1

M có thể bắt chước được các hành động

9/10

- Bắt chước đứng lên, ngồi xuống, nghiêng đầu, vố tay

- Bắt chước tạo âm thanh

Trống, xắc xô

- Làm mẫu trực tiếp

- Hỗ trợ thể chất

- Gợi ý dùng lời

2

M có thể cầm đồ vật bằng các ngón tay một cách chắc chắn

10/10

- Xếp chồng khối gỗ

- Cầm và thả khối gỗ

- Các khối gỗ vuông

- Xe thả khối bằng gỗ

- Làm mẫu

- Hỗ trợ thể chất

- Luyện tập

 

2.3.2.      Phối hợp các thành viên trong thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân

Ngoài các thành viên đã góp phần xây dựng bản kế hoạch cho trẻ, các thành viên khác có liên quan cũng tham gia vào triển khai, thực hiện kế hoạch bao gồm: các cán bộ quản lý, giáo viên – nhân viên hỗ trợ, các trẻ trong lớp hòa nhập,… những người có thể góp phần vào quá trình can thiệp cho trẻ cũng như trong các hoạt động sinh hoạt, vui chơi hàng ngày. Ngoài các nhà chuyên môn, cần đặc biệt lưu ý sự tham gia của cha mẹ trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.

2.4. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân

2.4.1.      Đánh giá, giám sát kết quả thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân

Giám sát việc thực hiện mục tiêu can thiệp: Nhằm xem xét sự tiến bộ của trẻ theo từng bài học, từng ngày, từng tuần cũng như đánh giá các điều kiện nhân lực trong thực hiện kế hoạch để có các điều chỉnh cần thiết. Việc giám sát thường do các trưởng nhóm chuyên môn thực hiện. Có thể dùng biểu mẫu để tiện theo dõi đánh giá các mục tiêu.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân: Thường xuyên đánh giá ở các cấp độ: Trường, nhóm, cá nhân; mục tiêu có hoàn thành hay phù hợp không; đánh giá không chỉ cho trẻ mà còn cho giáo viên, môi trường; thường được tiến hành 1 – 2 lần mỗi năm; được nêu rõ ở từng mục tiêu dài hạn hoặc ở phần đánh giá riêng. Mỗi giai đoạn đánh giá vừa là kết quả vừa là cơ sở, nền tảng để giai đoạn tiếp theo diễn ra.

Nội dung đánh giá:

-           Trẻ đạt được mục tiêu nào, mức độ đạt được.

-          Mục tiêu nào dừng lại, mục tiêu nào dạy tiếp.

-           Nguyên nhân ảnh hưởng tới việc học mục tiêu tốt/không.

-          Các mục tiêu xây dựng cho kế hoạch tiếp theo.

-          Sự tiến bộ của trẻ.

-          Hợp tác của gia đình, sự tích cực của các thành viên tham gia.

-          Sử dụng đồ dùng, trang thiết bị.

Cách thức đánh giá:

-          Có nội dung và tiêu chí ngay từ đầu và thường xuyên trong quá trình trẻ học ở trường, trung tâm.

-          Tiến hành định kỳ theo quý hay học kỳ.

-          Tại nhiều thời điểm và môi trường khác nhau.

2.4.2.      Chuyển tiếp kế hoạch can thiệp cá nhân

Chuyển giao kế hoạch được thực hiện khi kế hoạch can thiệp  được kết thúc. Một số trường hợp kết thúc: Trẻ chuyển sang học giáo viên khác, chuyển lớp, chuyển cấp, chuyển trường hoặc chuyển về gia đình.

Kế hoạch chuyển giao cần trả lời câu hỏi:

-        Mục tiêu chuyển tiếp trường học của trẻ là gì?

-         Cần những dịch vụ, sự trợ giúp và chương trình gì để đạt được mục tiêu chuyển tiếp trường học?

- Trẻ có được kết nối với các dịch vụ, sự trợ giúp hoặc chương trình trước khi rời trường học?

-          Đánh giá chuyển tiếp độ tuổi của trẻ có được thực hiện?

-          Các mục tiêu chuyển tiếp trường học có thể đo đạc được, có được phát triển liên quan tới chức năng sống độc lập không?

-          Trẻ, phụ huynh và các thành phần liên quan có được mời trong cuộc họp bàn kế hoạch không? Nếu trẻ không được tham gia, có thể đảm bảo thực hiện đủ các bước để đảm bảo nhu cầu, sở thích và mối quan tâm của trẻ được xem xét không?

-          Sau sự phát triển ban đầu của kế hoạch chuyển tiếp, kế hoạch có được xem xét và cân nhắc lại sau một kỳ kế hoạch can thiệp cá nhân không?

Bài viết được tóm tắt từ sách Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nữ Tâm An, Hoàng Văn Tiến, Trần Văn Công, Hồ Thị Huyền Thương, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Lệ Quyên, Phan Thiệu Xuân Giang (2019), Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam (Tài liệu dành cho cán bộ và kỹ thuật viên can thiệp), Nhà xuất bản ĐHQGHN. ISBN: 978-604-968-134-9

Người tóm tắt cô Lê Ánh Nguyệt – Trưởng nhóm chuyên môn lớp can thiệp Việt-Bun,Trung tâm Hừng Đông

 

 

 

Tin đã đăng