Bức thư đạt giải nhì cá nhân trong cuộc thi ảnh #HungdongNVB được tổ chức bởi Công đoàn trung tâm Hừng Đông nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Bức thư cô Nguyệt mong muốn cả thế giới cùng đọc và thấu hiểu. Bức thư của tương lai mà con sẽ gửi đến cô, đến người lớn, đến tất cả mọi người.
“20/11/2019 - Gửi cô Nguyệt!
Cô có biết, đã rất nhiều lần con dặn bản thân rằng sẽ không cáu giận vô cớ. Nhưng rồi con không hiểu chuyện gì xảy ra, bản thân con không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, trong khi những tình huống ấy rất đỗi bình thường với những bạn nhỏ khác. Có nhiều lần mắc lỗi, con rất muốn nói lời xin lỗi, nhưng con không biết phải bắt đầu thế nào, cảm giác bất lực khi không thể nói cho người khác hiểu rất khó chịu cô ạ! Nếu người khác rất dễ thích ứng với vấn đề thời tiết thay đổi, thì con lại ngược lại. Để thích ứng được với sự thay đổi của bất kể điều gì, con cũng cần có thời gian, thậm chí cần rất nhiều thời gian. Trong những khoảng thời gian ấy, con có thể nảy sinh những hành vi không mong muốn, khiến bố mẹ thầy cô hoặc bạn bè khó chịu.
Con không lạnh lùng như vẻ bề ngoài mọi người thấy. Con cũng có sở thích và sự yêu ghét rõ ràng. Con không phải người vô cảm hay vô tâm, chỉ là cách thể hiện của con đôi lúc sẽ khó hiểu với những người khác. Con đã từng là đứa trẻ không biết nói. Có người gọi con là “câm”, nhưng họ đâu hiểu rằng trong đầu con có cả một kho tàng ngôn ngữ, chỉ là con chưa thể kết nối những từ ngữ đó tạo thành một câu để diễn tả suy nghĩ của mình cho người khác hiểu. Con đã từng là đứa trẻ sợ rất nhiều thứ đồ quái dị như sợ bóng bay, sợ tiếng máy sấy, sợ nhìn mắt người đối diện, sợ tiếng két két của hai miếng xốp… Con cũng từng là đứa trẻ có sở thích kì lạ hơn bất kể bạn nhỏ nào, rằng thích tự làm đau mình, thích âm thanh nói thầm bên tai, thích bật tắt quạt điện hoặc thích quay tròn bất kể vật tròn nào. Những sở thích và những điều con sợ, có phải quá khác với phần lớn con người trong thế giới này, cho nên họ thường nhìn con bằng ánh mắt lạ kì?
Con muốn kể cho cô nghe một câu chuyện. Cách đây đã lâu, con có một lần vô cớ cắn tay bạn trong lớp chỉ vì sự kiểm soát cảm xúc của mình quá kém. Từ đấy, mẹ của bạn ấy không còn thích con nữa. Sau này, khi con được cô dạy cách sử dụng kỹ năng xin lỗi và chào hỏi, con đã biết mình sai. Khi gặp lại người phụ huynh đó, con đã chào cô ấy một cách tự hào vì con hiểu rằng mỗi khi nói chào người khác là con đang tự khái quát được kỹ năng của mình. Và con nói với cô ấy “Con chào cô!”.Tưởng rằng sẽ được cô ấy khen, nhưng không, cô ấy nhìn con và nói “Nhìn thấy thằng bé này đã sợ chết khiếp!”, rồi cô ấy bỏ đi – đi xa khỏi chỗ con đứng. Cảm giác thất vọng, hụt hẫng và đau khổ xâm lấn trí óc con. Dường như, ai cũng ác cảm với con và với các bạn có cùng hội chứng như con. Chúng con đã làm gì sai? Chúng con đâu thể tự điều khiển mọi thứ của bản thân. Điều chúng con mong ước là mọi người xung quanh có thể thấu hiểu những thứ kinh khủng mà chúng con đang phải trải qua. Chúng con cũng là trẻ con, cũng cần có nhu cầu của một đứa trẻ, cũng từng phạm sai lầm và muốn người khác tha thứ, cũng muốn ra ngoài vui chơi cùng các bạn và được các bạn chơi cùng,... Làm ơn, xin đừng tách chúng con ra khỏi xã hội!
Con đã từng phải rời bỏ đất nước Nga xinh đẹp để trở về Việt Nam học tập, vì con mắc một rối loạn thần kinh. Mẹ con lo sợ nên đã đưa con về nơi này. Đã không ít lần con nhìn thấy nước mắt rơi trên khuôn mặt mẹ. Con thương mẹ, thương cô, thương ông bà. Con đã cố gắng để làm quen mọi thứ, tuy rằng vẫn không hề dễ dàng. Thời gian đầu để thích nghi với môi trường Việt Nam là một sự khó khăn vô cùng kinh khủng. Con vẫn giữ thói quen nói tiếng nước ngoài mặc dù đã được thầy cô dạy sử dụng ngôn ngữ Việt. Con đôi lúc thức ngủ không đúng giờ sinh hoạt, mặc dù đã về Việt Nam hai năm. Mọi thứ quá khó khăn đối với con. Và con cần sự thấu hiểu.
Con là đứa trẻ mất tập trung trong bất cứ chuyện gì. Ánh mắt con thường không để ý đến những điều người khác dạy. Nhưng đó không có nghĩa là con không thể học được gì. Con vẫn học nhưng theo một cách đặc biệt khác. Con thích những đồ chơi màu sắc và hấp dẫn, con thích được tương tác với các đồ vật và những quyển sách tranh sinh động… Con không thể học toán cộng trừ dễ dàng, con cần được dạy từng bước nhỏ một. Con không thể học được những kỹ năng tự phục bản thân một cách dễ dàng như các bạn khác, con cần được hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.
Con biết cô, bố mẹ và rất nhiều người thân xung quanh đã thực sự dành thời gian để yêu thương và dạy dỗ con. Con hạnh phúc vì điều đó. Những buổi trưa cô ôm con ngủ, con nhắm mắt bình yên nhường nào. Những lần cô gọi tên con, con đều cố gắng để quay lại nhìn cô một cách bình tĩnh. Con hiểu, cô và bố mẹ còn rất nhiều kì vọng nữa với con. Con vẫn luôn cố gắng và điều hoàn thiện sẽ đến nhanh hơn nếu con được mọi người thấu hiểu.
Con Tự kỷ. Tự kỷ là dạng rối loạn phát triển thần kinh kéo dài suốt đời. Nó không phải là căn bệnh, xin đừng gọi con là bệnh. Mỗi khi ai nói con “bị bệnh Tự kỷ”, con bỗng thấy giống như mình mắc căn bệnh gì kinh khủng cho xã hội này. Đừng gọi con là kẻ vô tâm/kém hiểu biết, con có cách thể hiện riêng của mình. Xin hãy tôn trọng cá nhân con, sự khác biệt của con và xin hãy yêu thương con nhiều hơn ...”
Lời của cô Nguyệt: Cô vẫn luôn cảm ơn các bạn nhỏ đã xuất hiện bên đời cô để cô có cơ hội gặp gỡ các bạn. Các bạn rất đáng yêu. Các bạn trao cho cô những cảm xúc, những kỷ niệm, giọt nước mắt và cả những nụ cười hạnh phúc. Nghề giáo viên Giáo dục Đặc biệt, cô trân quý, cô yêu thương!
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Trung tâm Hừng Đông cơ sở Thanh Hoa tiếp nhận sinh viên Khoa Tâm lý học - Học viện Phụ nữ Việt Nam đến kiến tập đợt 1 năm 2025
- Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm
- Trung tâm Hừng Đông – Cơ sở Thanh Hoa chuyển địa chỉ: Hướng tới môi trường phát triển toàn diện cho trẻ
- Trêu trọc học đường - Mặt trái của sự vui vẻ?
- Kết nối với các trường mầm non trong khu vực sàng lọc miễn phí cho trẻ có rối loạn phát triển