Top 12 điều thú vị về thanh niên tự kỷ tại lớp kỹ năng xã hội tại trung tâm Hừng Đông

Bạn biết bao nhiêu về trẻ tự kỷ? Với bạn, tự kỷ là gì?
Trong ấn tượng của mình, tự kỷ là một rối loạn bẩm sinh, đó là những người với những biểu hiện im lặng, ngày ngày chỉ xoay quanh vòng quay của chính mình, không có bất cứ mối liên hệ nào với người khác, ngay cả với ba mẹ của họ. Tuy nhiên, những ấn tượng ấy đã thay đổi từ khi mình tham gia nhóm học tập kỹ năng xã hội dành cho trẻ tự kỷ lớn tại trung tâm Hừng Đông. Và ở đây, khi được tiếp xúc với các bạn thanh niên tự kỷ mình đã phát hiện ra rất nhiều những điều thú vị về họ. Và ngay bây giờ, mình sẽ chia sẻ những điều thú vị bất ngờ về trẻ tự kỷ lớn mà có thể bạn chưa biết. Hãy cùng theo dõi bài viết nhé!
1. Những bạn thanh niên tự kỷ có thực sự ít nói?
Đây có lẽ là điều bất ngờ nhất mà mình được trải nghiệm khi tham gia học tập cùng các bạn thanh niên tự kỷ. Khi tham gia lớp học kỹ năng xã hội, chào đón mình đó là một không khí cởi mở để chia sẻ. Và các bạn học viên thì không phải lúc nào cũng im lặng hay thụ động trả lời các câu hỏi. Các bạn ấy cũng rất nhiệt tình tham gia vào các cuộc thảo luận, mặc dù đôi khi sẽ có đôi lúc các bạn ấy không thể kiểm soát được về giọng nói của mình. Và khi nói về những chủ đề mà các bạn ấy yêu thích thì các bạn ấy đích thị là “những chiếc máy bắn Rap” rồi, các bạn ấy sẽ rất hào hứng chia sẻ những điều đó cho mọi người xung quanh.
2. Một khi bạn ấy đã yêu thích một lĩnh vực nào đó thì bạn ấy chính là bách khoa toàn thư về lĩnh vực đó.
Trong lớp kỹ năng xã hội mà mình tham gia, có rất nhiều bạn rất “thông thái” ở một hoặc một số lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như có bạn hiểu biết rất sâu về Hàng không, cũng có bạn rất đam mê và hiểu sâu rộng về lịch sử Đông Tây, có bạn giỏi về công nghệ, có bạn siêu siêu về toán học... Chỉ cần nói đến những chủ đề đó, các bạn ấy luôn sẵn sàng chia sẻ và không hề nhầm lẫn một chi tiết nhỏ nào. Vì vậy, các bạn ấy xứng đáng là những “nhà thông thái”.
3. Thanh niên tự kỷ vẫn đi học ở những ngôi trường “bình thường”.
Và đây chính là điều bất ngờ tiếp theo mà chưa chắc bạn đã biết về các bạn tự kỷ lớn. Trong lớp học kỹ năng xã hội mình đang tham gia hiện nay, các học viên không phải các bé 3, 4, 5 hay 6 tuổi, mà đó đều là những bạn khá lớn rồi. Có bạn 13-14 tuổi, cũng có bạn đã hơn 20 tuổi rồi. Các bạn ấy vẫn theo học ở những ngôi trường “bình thường” mà bao đứa trẻ khác cũng đang theo học, một vài bạn trong số đó đã là sinh viên của các trường đại học (thậm chí là các trường rất nổi tiếng ở Hà Nội).
4. Các bạn ấy có một cách tư duy vô cùng đặc biệt.
Thực ra khi nói về lối tư duy đặc biệt của những bạn tự kỷ lớn thì đúng hơn là chúng ta sẽ nói là các bạn ấy không hề tư duy theo lối mòn đã sắp sẵn mà người lớn hay dạy cho trẻ con từ khi chúng bắt đầu biết bắt chước. Các bạn ấy có lối suy nghĩ của chính mình và làm mọi việc theo ý bản thân mình, vì vậy, các bạn ấy đặc biệt theo một cách riêng. Ví dụ như việc quan sát, thay vì để ý đến tổng thể hình ảnh, các bạn ấy sẽ để ý đến các chi tiết bên trong hình ảnh hơn. Cũng như vậy, đối với việc quan sát mọi việc hàng ngày, các bạn ấy sẽ quan sát tỉ mỉ và chi tiết hơn, vì vậy, các bạn ấy sẽ học hỏi nhanh hơn. Ngoài ra, các bạn ấy ít bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hay suy nghĩ của người khác trong việc tư duy logic, điều này sẽ khiến các bạn ấy chủ động hơn và độc lập hơn trong việc giải quyết các vấn đề. Chính vì những đặc điểm này mà các bạn học viên đều là những người cực kỳ giỏi ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, edit video, photoshop,...
5. Các bạn học viên không hề rụt rè mà sẵn sàng tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Trong lớp học kỹ năng xã hội, người điều phối thường đưa ra các chủ đề khác nhau để các học viên có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Các học viên ban đầu có thể sẽ mất tập trung, người điều phối cần một chút thời gian để kêu gọi sự chú ý của họ. Tuy nhiên, khi họ đã tham gia vào cuộc thảo luận, họ sẽ rất hăng say bảo vệ những quan điểm mà họ đã đưa ra ban đầu. Các cuộc thảo luận trong lớp thường luôn là thời gian sôi nổi nhất.
6. Họ có niềm hạnh phúc của riêng mình.
Trước đây, bản thân mình luôn nghĩ những người bị tự kỷ chắc sẽ buồn lắm, bởi họ không có các mối liên hệ xã hội. Thế nhưng, thực tế thì lại không phải là như vậy. Họ cũng có những niềm hạnh phúc riêng, và những niềm đam mê riêng của họ chính là điều tạo nên sự hạnh phúc đó. Đối với mỗi bạn mắc rối loạn phổ tự kỷ, họ luôn cảm thấy hạnh phúc khi được ở trong thế giới của họ, chính điều hạnh phúc đó đã giúp cho các bạn thoải mái khám phá mọi thứ.
7. Tông giọng
Trong lớp, có một số bạn có tông giọng rất đặc biệt. Có thể nghe một lần là nhớ ngay được vì nó không giống với bất cứ tông giọng nào trước đây mình từng nghe cả. Ban đầu mình nghĩ các bạn tự kỷ sẽ có ngôn ngữ hạn chế và thường nói từng từ một, phát âm sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế các bạn nói rất lưu loát, nhưng tông giọng cũng sẽ khiến người nghe khó có thể nắm bắt được bạn ấy đang nói gì. Giống như các buổi đầu tiên, để nghe được bạn học viên nói gì, mình đã phải rất cố gắng lắng nghe, thậm chí là phải hỏi lại để chắc chắn điều mình nghe được là điều mà bạn ấy đã nói.
8. Đa số các bạn học viên là nam.
Trong lớp mình tham gia, chỉ có duy nhất một học viên nữ, còn lại đều là các bạn nam cả. Điều này làm mình thấy khá ngạc nhiên, đặc biệt là ở buổi học đầu tiên. Theo mình nghĩ thì số lượng học viên nam và nữ sẽ không quá chênh lệch nhau như vậy, nhưng thực tế thì lại khác. Sau đó, mình có tìm hiểu thì được biết các bé trai có nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cao hơn so với các bé gái những bốn lần.
9. Họ chọn một đối tượng tương tác cố định trong tất cả các buổi học
Khi mình tham gia lớp, mặc dù ban đầu được chào đón rất nồng nhiệt, tuy nhiên, trong suốt thời gian buổi học diễn ra thì các bạn học viên sẽ có xu hướng tương tác nhiều hơn với một người duy nhất trong số những giáo viên đứng lớp. Họ thậm chí sẽ không có hứng thú tham gia lớp nếu hôm đó người giáo viên đó không đến. Họ tỏ ra cực kỳ tin tưởng người giáo viên đó, vì (với họ) đó là người duy nhất tỉ mỉ ngồi lắng nghe họ.
10. Các vấn đề được phát hiện khi họ đã lớn.
Các học viên theo học chỉ được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ trong thời gian gần đây, khi các vấn đề về giao tiếp xã hội của họ dần bộc lộ nhiều hơn. Điều này cũng khiến mình cực kỳ bất ngờ, vì trước đó, theo mình thì rối loạn này sẽ được phát hiện từ khi còn nhỏ (khoảng 3-5 tuổi). Hơn nữa, qua các anh/chị ở trung tâm, mình được biết cả gia đình và chính cả bạn học viên cũng rất sốc sau khi nhận được kết quả đánh giá từ chuyên gia.
11. Biết rung động trước bạn khác giới
Mình có tâm sự với một số học viên trong lớp về chủ đề bạn khác giới. Và mình phát hiện ra một điều rất bất ngờ là các bạn ấy cũng biết rung động trước bạn khác giới đấy. Có một bạn kể cho mình rằng bạn ý thích một bạn nữ học cùng lớp và bạn có lưu các hình ảnh về bạn nữ đó trong điện thoại của mình, thậm chí khi học online qua zoom bạn ấy cũng để phông nền là hình ảnh bạn nữ mình thích nữa. Còn một bạn nam khác thì chia sẻ rằng bạn ấy đã từng có người yêu ở thời học phổ thông. Trong lớp học bạn thường thể hiện bản thân trước bạn khác giới nhằm gây ấn tượng.
12. Các bạn cũng có thể tạo ra thu nhập từ dự án của trung tâm
Và một điều cuối cùng, các bạn học viên cũng chính là những thành viên trong dự án kỹ năng xã hội do trung tâm Hừng Đông tổ chức nhằm cải thiện các kỹ năng xã hội và đánh giá sự tiến bộ sau dự án cho tất cả các học viên. Mọi học viên đều vô cùng nghiêm túc tham gia dự án và họ đều được nhận được mức “lương” tương ứng với vị trí, số buổi tham gia hoạt động của mình trong suốt dự án.
Bài viết của nhóm tác giả: Lê Hải-Vũ Văn Thuấn
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Trung tâm Hừng Đông cơ sở Thanh Hoa tiếp nhận sinh viên Khoa Tâm lý học - Học viện Phụ nữ Việt Nam đến kiến tập đợt 1 năm 2025
- Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm
- Trung tâm Hừng Đông – Cơ sở Thanh Hoa chuyển địa chỉ: Hướng tới môi trường phát triển toàn diện cho trẻ
- Trêu trọc học đường - Mặt trái của sự vui vẻ?
- Kết nối với các trường mầm non trong khu vực sàng lọc miễn phí cho trẻ có rối loạn phát triển