Những sai lầm thường gặp trong đánh giá và chẩn đoán các Rối loạn phát triển ở trẻ em
Việc đánh giá và chẩn đoán chính xác các rối loạn phát triển ở trẻ em là nền tảng cho can thiệp hiệu quả, từ đó thay đổi toàn bộ quỹ đạo phát triển của trẻ theo hướng tích cực. Tuy nhiên, quá trình đánh giá là một quá trình phức tạp, dễ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị chậm trễ, hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp không phù hợp, thậm chí gây hại cho trẻ. Sau đây là những sai lầm thường gặp trong đánh giá và chẩn đoán tâm lý:

NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP TRONG ĐÁNH GIÁ VÀ CHẨN ĐOÁN CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN Ở TRẺ EM
(1) Chỉ dựa vào một nguồn thông tin:
Đánh giá chỉ dựa vào lời kể của bố mẹ hoặc chỉ quan sát trẻ ở một nơi duy nhất khó có thể được cho là đáng tin cậy. Ví dụ, hành vi của trẻ có thể khác hẳn giữa ở nhà và ở trường. Thầy cô có thể thấy trẻ khó kết bạn hoặc thiếu tập trung, trong khi bố mẹ lại không nhận ra. Ngược lại, trẻ có thể rất lo lắng ở nhà nhưng lại không bộc lộ ở trường. Một đánh giá đầy đủ cần khai thác được dữ liệu từ nhiều người báo cáo, trong nhiều bối cảnh, sử dụng kết hợp các phương pháp phỏng vấn lâm sàng, bảng đánh giá hành vi, quan sát trực tiếp và các bài kiểm tra tâm lý chuẩn hóa (Mash & Wolfe, 2018).
(2) Không xem xét đầy đủ chẩn đoán phân biệt và các tình trạng bệnh đồng diễn:
Nhiều rối loạn phát triển có các triệu chứng giống nhau, khiến việc chẩn đoán trở nên phức tạp. Trẻ bị trầm cảm có thể biểu hiện cáu kỉnh và thu mình xã hội, giống với các khiếm khuyết về giao tiếp xã hội trong rối loạn phổ tự kỷ. Sự thiếu tập trung cũng có thể là biểu hiện chính của rối loạn lo âu chứ không nhất thiết là rối loạn tăng động giảm chú ý. Khả năng chẩn đoán phân biệt đóng vai trò quan trọng để tránh hiện tượng một biểu hiện nổi bật làm lu mờ các triệu chứng của một tình trạng bệnh đi kèm khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ đồng diễn cao ở một số rối loạn, ví dụ một tỷ lệ đáng kể trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ cũng đồng thời có một số biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn lo âu (Matson & Williams, 2014).
(3) Dùng sai công cụ đánh giá:
Sai lầm này là khi trắc nghiệm được sử dụng trong một bối cảnh không phù hợp với thiết kế của nó. Sự thiếu phù hợp này có thể xuất hiện khi công cụ không được hiệu chỉnh cho sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ của đối tượng, hoặc được áp dụng cho một mục đích khác với mục đích ban đầu, hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường làm suy giảm độ tin cậy của nó (Pope & Melba, 2005). Ví dụ một trắc nghiệm của Mỹ, khi sử dụng ở Việt Nam sẽ cần trải qua quá trình thích nghi, sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.
(4) Thiên kiến xác nhận:
Đây là xu hướng tự nhiên của con người khi chỉ tìm kiếm và ghi nhớ những thông tin ủng hộ suy nghĩ mình đã có sẵn. Trong quá trình đánh giá tâm lý, thiên kiến này có thể khiến cho người đánh giá ưu tiên những dữ liệu ủng hộ giả thuyết ban đầu của họ, dẫn đến kết luận chẩn đoán sai lệch và bỏ qua các giải thích thay thế cho các triệu chứng của thân chủ (Pope & Melba, 2005). Ví dụ, một người đánh giá cho rằng thân chủ mắc rối loạn lo âu xã hội nên chỉ tập trung vào các biểu hiện có thể củng cố niềm tin ban đầu. Điều này khiến họ bỏ qua các dấu hiệu khác và chẩn đoán sai lệch, không đưa ra được giải pháp phù hợp.
(5) Bỏ qua các yếu tố tạm thời:
Một lỗi phổ biến khác là không xem xét tình trạng và hoàn cảnh của người được đánh giá ngay tại thời điểm làm bài kiểm tra. Ví dụ, một đứa trẻ có thể mệt mỏi, lo lắng, hoặc đang bị ốm vào ngày hôm đó. Tương tự, nếu không gian kiểm tra ồn ào hoặc quá nóng, điều này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Những yếu tố tạm thời này có thể khiến kết quả không phản ánh đúng năng lực thực sự của một người, dẫn đến chẩn đoán không chính xác.
(6) Yếu tố văn hóa và kinh tế xã hội:
Các công cụ đánh giá và tiêu chí chẩn đoán thường được phát triển chủ yếu trên nhóm trẻ da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu. Một trẻ sống trong hoàn cảnh khó khăn, từng trải qua sang chấn nghiêm trọng, có thể biểu hiện sự cảnh giác quá mức và mất tập trung – dễ bị chẩn đoán nhầm là rối loạn tăng động giảm chú ý. Các chuyên gia phải có hiểu biết về văn hóa, dành thời gian tìm hiểu bối cảnh riêng của từng trẻ, sử dụng các công cụ đánh giá đã được chuẩn hóa để phù hợp về bối cảnh và văn hóa, hoặc diễn giải các công cụ tiêu chuẩn một cách thận trọng và có đặt trong ngữ cảnh.
Tóm lại, dù công cụ có hiện đại đến đâu, yếu tố then chốt để đảm bảo một chẩn đoán chính xác vẫn là năng lực của người đánh giá. Việc được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế và liên tục cập nhật kiến thức là điều kiện tiên quyết giúp các chuyên gia nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, sử dụng đúng công cụ cho đúng người, từ đó tránh được các sai lầm và mang lại sự hỗ trợ hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Mash, E. J., & Wolfe, D. A. (2018). Abnormal child psychology (7th ed.). Cengage Learning.
- Matson, J. L., & Williams, L. W. (2014). Comorbidity and autism spectrum disorders. Trong International handbook of autism and pervasive developmental disorders (tr. 173–182). Springer.
- Pope, K. S., & Melba. (2005). Avoiding pitfalls in psychological assessment. American Psychological Association EBooks, 95–100. https://doi.org/10.1037/11088-012
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thảo
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Những sai lầm thường gặp trong đánh giá và chẩn đoán các Rối loạn phát triển ở trẻ em
- Trung tâm Hừng Đông cơ sở Thanh Hoa tiếp nhận sinh viên Khoa Tâm lý học - Học viện Phụ nữ Việt Nam đến kiến tập đợt 1 năm 2025
- Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm
- Trung tâm Hừng Đông – Cơ sở Thanh Hoa chuyển địa chỉ: Hướng tới môi trường phát triển toàn diện cho trẻ
- Trêu trọc học đường - Mặt trái của sự vui vẻ?