Các hoạt động chăm sóc và tư vấn tâm lý năm 2016 tại trường mầm non Việt-Bun
Trường mầm non Việt-Bun và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục Hừng Đông, trực thuộc Hội khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam bắt đầu hợp tác từ năm 2014 với mô hình lớp can thiệp hòa nhập nằm trong nhà trường. Bên cạnh đó, mỗi đầu năm học, Trung tâm lại tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và phụ huynh của trường liên quan đến việc nuôi dạy và chăm sóc tâm lý cho trẻ.

Đầu năm học là thời điểm với biết bao kỳ vọng, bao lo lắng của các bậc phụ huynh gửi gắm nơi con em mình, đồng thời cũng là thời điểm thử thách đối với mỗi học sinh, đặc biệt là với trẻ mầm non. Thấu hiểu những trăn trở ấy, trung tâm Hừng Đông cùng trường mầm non Việt-Bun mong muốn không chỉ hỗ trợ phụ huynh về kỹ năng nuôi dạy con mà còn hướng tới trực tiếp hỗ trợ trẻ đang theo học nói chung và trẻ có những khó khăn tâm lý, khó khăn hòa nhập nói riêng nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho trẻ thông qua sự hợp tác giữa trường, trung tâm và các bậc phụ huynh.
Năm nay, cụ thể là tháng 10 năm 2016, Trung tâm đã tiến hành hai hoạt động lớn là Hội thảo về Giáo dục trẻ trong thời đại Công nghệ thông tin và tổ chức đánh giá sàng lọc cho tất cả học sinh đang theo học tại trường. Đây không chỉ là hoạt động đem lại hiệu quả tích cực đối với Trường Việt Bun và Trung tâm Hừng Đông mà còn là hoạt động mang ý nghĩa với phụ huynh nói chung và với trẻ đang theo học tại Việt Bun nói riêng. Buổi hội thảo đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các phụ huynh và giáo viên trong trường. Không chỉ được trang bị những kiến thức, cập nhật khoa học đúng đắn về sự phát triển của trẻ em, cách thức trẻ học tập và phát triển để áp dụng vào việc nuôi dạy con. Do đó trẻ sẽ được hưởng giáo dục từ cả nhà trường và gia đình một cách đúng đắn, khoa học và phù hợp. Trong buổi hội thảo này, chuyên gia tập huấn về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và tâm lý học phát triển còn trao đổi với phụ huynh Việt-Bun về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các phương tiện công nghệ thông tin (máy tính, điện thoại...) đối với sự phát triển tâm lý trẻ em, và cách thức sử dụng đúng đắn, phù hợp nhằm phát triển tốt nhất cho trẻ. Bên cạnh đó còn là buổi trao đổi những tình huống mà phụ huynh hay gặp phải như làm sao để giảm việc trẻ vừa ăn vừa xem máy tính bảng hay điện thoại, trẻ bắt chước quá nhiều các hành động bạo lực trong các phim hoạt hình hay việc trẻ xem tivi, máy tính nhiều dẫn tới chậm nói, trễ phát triển, nói “tiếng Anh” nhiều hơn Tiếng Việt… Một buổi chia sẻ mang tính cập nhật và hỗ trợ kịp thời là ý nghĩa mà buổi Hội thảo đã thực hiện thành công!
Được sự ủng hộ và nhiệt tình của hiệu trưởng, ThS. Bùi Thị Kim Xuân, cùng ban giám hiệu trường, cùng với tâm huyết của TS. Trần Văn Công cùng các cộng sự, Trung tâm Hừng Đông hiện đang có một lớp can thiệp - hòa nhập đặt tại Trường mầm non Việt-Bun mang sứ mệnh hỗ trợ trẻ có rối loạn phát triển, trẻ có khó khăn hòa nhập, khó khăn tâm lý theo học tại trường và với các hoạt động thiết thực như Can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm kỹ năng, hỗ trợ tại lớp, Hỗ trợ tiêng tiểu học… Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của sự hợp tác này, trường và trung tâm đã tiến hành đánh giá sàng lọc cho trẻ đang theo học tại trường.
Mọi trẻ em/học sinh đang học ở mầm non Việt-Bun được đánh giá sàng lọc về sự phát triển, nhằm xem xét mức độ phát triển của trẻ qua hàng năm, phòng ngừa và can thiệp các vấn đề phát triển. Với những trẻ có dấu hiệu khó khăn về phát triển hay tâm lý được thể hiện thông qua các trắc nghiệm sàng lọc, gia đình và giáo viên sẽ được tư vấn về hướng đánh giá kỹ hơn, giáo dục và can thiệp tại gia đình, hoặc tại lớp can thiệp nếu cần thiết. Đánh giá sàng lọc trẻ, bao gồm đánh giá phát triển (5 lĩnh vực phát triển là Giao tiếp; Vận động thô; Vận động tinh; Giải quyết vấn đề; và Cá nhân - xã hội) và sàng lọc chung các vấn đề tâm lý, hành vi, và phát triển, bao gồm nguy cơ tự kỷ, nguy cơ tăng động/giảm chú ý, nguy cơ rối loạn cảm xúc, nguy cơ chậm nói, nguy cơ khó khăn học tập… Việc đánh giá này đã được các cán bộ được đào tạo thực hiện trực tiếp trên trẻ và thu thập thông tin từ giáo viên. Thông qua đánh giá, nhà trường cũng sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về sự phát triển của mỗi học sinh, Trung tâm cũng có thể hỗ trợ kịp thời cho những trẻ gặp khó khăn và gia đình có thể có được nguồn hỗ trợ đáng tin cậy.
Đi cùng với từng giai đoạn phát triển của trẻ em và mang lại sự hỗ trợ kịp thời để giai đoạn mần non là một nền tảng bền vững và là tiền đề cho mỗi đứa trẻ là mục đích mà hoạt động hợp tác lần này đã đem lại. Và mong muốn đưa lại những hệ quả tốt đẹp, tích cực nhất cho hệ thống giáo dục trẻ em tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, sâu hơn nữa là với trẻ có rối loạn phát triển đang tham gia hòa nhập tại các trường mầm non, mong rằng sự hợp tác của Trường mầm non Việt-Bun và trung tâm Hừng Đông sẽ là mô hình nhân rộng đem đến ý nghĩa đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.
Trung tâm Hừng Đông, 2016
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Trung tâm Hừng Đông cơ sở Thanh Hoa tiếp nhận sinh viên Khoa Tâm lý học - Học viện Phụ nữ Việt Nam đến kiến tập đợt 1 năm 2025
- Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm
- Trung tâm Hừng Đông – Cơ sở Thanh Hoa chuyển địa chỉ: Hướng tới môi trường phát triển toàn diện cho trẻ
- Trêu trọc học đường - Mặt trái của sự vui vẻ?
- Kết nối với các trường mầm non trong khu vực sàng lọc miễn phí cho trẻ có rối loạn phát triển